Phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập

Thứ sáu, 13/04/2018 20:35
(ĐCSVN) -Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần có những điều chỉnh để đảm bảo tăng trưởng cũng như tận dụng tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại mang lại, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất khẩu đi nhiều nước. (Ảnh: Đ.H)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong quý I năm 2018 đạt 3,76%, cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm qua (tốc độ tăng trưởng quý I của ngành nông nghiệp lần lượt là: năm 2011 tăng 3,65%; năm 2012 tăng 2,66%; năm 2013 tăng 2,01%; năm 2014 tăng 2,03%; năm 2015 tăng 1,58%; năm 2016 giảm 2,69%; năm 2017 tăng 1,38%). Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương, điều này đòi hỏi cần có những thay đổi để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân tốt hơn.

Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện đa dạng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nhất là giữa nông thôn và đô thị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, đặc biệt trong những năm gần đây cùng với quá trình thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được những thành quả tích cực sau hơn 30 năm đổi mới, giúp Việt Nam từ chỗ thiếu đói trở thành một nước xuất khẩu nông sản, nhưng nhìn chung nền nông nghiệp đất nước vẫn còn lạc hậu. Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập: Nền nông nghiệp nước ta còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Sức cạnh tranh với khu vực và thế giới còn thấp, ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn. Sự bùng nổ của ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu mang tính quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính mà coi nhẹ chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Do đó sản xuất không bền vững, rủi ro cao. Hơn nữa, nền nông nghiệp nước ta lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Số lượng các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập còn khá ít. Mặc dù chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đã được thực hiện khá lâu nhưng tới nay diện tích đất nông nghiệp vẫn rất manh mún, nhất là tại phía Bắc.

Theo TS. Doãn Công Khánh (Viện Nghiên cứu Thương mại), hiện nay khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, chỉ có 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines.  Điều này đã và đang hạn chế ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như khai thác lợi thế theo quy mô.

Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, kinh tế nông nghiệp đã chững lại, giảm sút và kéo theo việc nông dân không được quyền định giá nông sản. Địa vị, vai trò kinh tế, thu nhập giảm sút tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp chưa chạm đến doanh nhân, doanh nghiệp. Chuỗi giá trị hay liên kết bốn nhà chưa chạm đến phần lõi thực tế. Tư duy của các chương trình phát triển nông nghiệp hay nông thôn mới đang tiếp cận ở một góc tương đối hẹp, và theo đó, chính sách mới chỉ giới hạn ở các khoản hỗ trợ cho sản xuất và nặng về trợ cấp. Trong lúc bối cảnh nông nghiệp hội nhập và cạnh tranh đã thay đổi nhanh chóng, tiêu thụ được sản phẩm, với giá bao nhiêu, trở thành bài toán cốt yếu, quan trọng hơn và cũng phức tạp hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh hội hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần có những điều chỉnh để đảm bảo tăng trưởng cũng như tận dụng tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại mang lại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong thời gian tới, cần đặt mục tiêu phát triển nông thôn và ưu đãi nông dân thành một chính sách lớn. Tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển nông thôn nhằm tăng cường năng lực cho người nông dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Người nông dân phải được tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng và tạo lập  một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hoá sạch. Việt Nam có rất nhiều ưu thế về nông sản phẩm nhiệt đới, nhưng chưa phát huy được ..., cần phải suy nghĩ để có một cuộc cách mạng, biến nông nghiệp  nước ta ngoài việc thoả mãn nhu cầu trong nước, còn phải là một môi trường chuyên sản xuất những cây nhiệt đới quý, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững và nhất là biến nông sản phẩm thành các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị rất cao. Cần lấy tiến bộ khoa học làm đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá. Hình thành được nhiều chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết này cần phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của 4 nhà: Doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học và Nhà nước. Chất lượng nông sản đảm bảo sạch giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp .

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn có những rủi ro không lường trước, nên thiếu sự hấp dẫn và khó thu hút đầu tư  FDI. Nỗi lo đầu vào nguyên liệu đang là cản trở lớn các quyết định đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp. Vì vậy, thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ thuật tay nghề cho nông dân. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải dẫn đầu giúp nông dân  cập nhật khoa học kỹ thuật, nhất là tìm ra giống cây, con mới năng suất cao, để dần khẳng định thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.

Tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản. Việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa cần tập trung tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài (nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.

Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ nông sản rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người nông dân. Trong đó, Nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra dự báo, kế hoạch sản xuất cho người nông dân; các nhà khoa học hướng dẫn ứng dụng công nghệ tiên tiến tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ và người nông dân trực tiếp sản xuất theo định hướng. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù sản xuất ở quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hoá. Vì thế cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia  đình; cần đặc biệt coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã kiểu mới.

Tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hoá. Mỗi ngành hàng nông sản cần đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình…/.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực