Nhiều người "đổi đời" từ cây vải

Thứ tư, 07/08/2019 11:01
(ĐCSVN) - Xác định là chìa khóa thành công, mở cánh cửa đến thị trường là phải làm tốt khâu sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhiều người dân Lục Ngạn đã mạnh dạn đổi mới cách làm, cho hiệu quả cao.
Hộp vải thiều hữu cơ 12 quả giá 200 nghìn đồng.

Chặng đường gian nan

Đến thăm gia đình ông Đinh Văn Hưng tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ấn tượng nhất với chúng tôi là ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Rót chén trà xanh mời khách, ông Hưng hồ hởi chia sẻ, đây là thành quả sau nhiều năm tiêu thụ trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc trong đó có vải thiều Lục Ngạn. Không chỉ cơ ngơi này, gia đình ông còn một số biệt thự tại thành phố Bắc Giang. Kết quả là vậy nhưng không phải chặng đường kinh doanh của ông không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Ông Hưng chia sẻ, gia đình ông gắn bó với nghề trồng vải và tiêu thụ vải thiều từ khoảng 20 năm nay. Những năm đầu, gia đình vẫn duy trì vườn vải thiều hơn 1 mẫu trên địa bàn. Vào vụ, cả nhà lại tỏa đi các hướng trong huyện thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy vậy, do chưa có kinh nghiệm làm ăn nên gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, thông quan khi thủ tục rườm rà, chi phí lớn. Khi đó, vải thiều phải đi chung đường với các loại trái cây, hàng hóa khác nên xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại chưa cao. Đặc biệt, năm 2004, gia đình ông đã thua lỗ nặng và phá sản, phải bán nhà cửa, đất đai, vườn cây để trả nợ. Thậm chí, ông còn bị chủ nợ khởi kiện đòi khoản nợ hàng tỷ đồng.

"Năm đó, Lục Ngạn được mùa lớn, gia đình đã chủ động tìm kiếm đối tác bên Trung Quốc, xuất khẩu vải thiều. Do chưa có kinh nghiệm trong ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, việc khảo sát, đánh giá thị trường cũng chưa bài bản nên năm đó, phía Trung Quốc cũng được mùa vải khiến giá bán giảm sâu, tiêu thụ khó khăn”  - ông Hưng nói. Xuất khẩu đình trệ, giá bán giảm, gia đình ông thua lỗ nặng. Trước biến cố lớn, những tưởng ông khó vượt qua nhưng với bản lĩnh can trường của một người lính, ông đã cùng gia đình xác định phương châm “ngã ở đâu sẽ đứng dậy, đi lên từ đó”, tiếp tục thu mua, xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn ở các vụ sau.

Sau thất bại, ông đã sâu chuỗi, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, tìm hướng đi cho xuất khẩu. Để hiện thực hóa chủ trương này, ông gặp, bày tỏ quan điểm với nhiều lãnh đạo huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang, xây dựng đường đi riêng trong thông quan xuất khẩu vải thiều. Theo đó, gần 10 năm nay, mỗi dịp trước thời điểm thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn lại chủ động cùng chính quyền các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phối hợp mở các hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều. Thậm chí, gần đây, sự kiện này còn được tổ chức tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm giới thiệu sản phẩm đến các doanh nhân, chợ đầu mối và thị trường tiêu thụ. Những thông tin về chất lượng, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chủ trương, đường lối trong tiêu thụ đã được truyền tải đến thị trường. Chính quyền, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều. Từ đó, phương tiện vận chuyển vải lưu thông thuận lợi, có đường thông quan riêng với cam kết chỉ khi lô vải thiều cuối cùng trong ngày thông quan mới đóng cửa các cửa khẩu.

Khai sinh cho vải thiều

Xác định là chìa khóa thành công, mở cánh cửa đến thị trường là phải làm tốt khâu sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhiều người dân Lục Ngạn đã mạnh dạn đổi mới cách làm, cho hiệu quả cao. Trong đó, anh Nghiêm Văn Thắng, thôn Ao Mít, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn là một điển hình. Vụ vải vừa qua, gia đình anh đã thu được hơn 24 tấn quả, tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Kinh nghiệm chăm sóc cây nhiều năm của gia đình cho thấy, giống vải U hồng có cây to, bộ rễ chắc khỏe, ít sâu bệnh, nhưng nhược điểm là vỏ mỏng, hạt to, khó bảo quản, vận chuyển đường dài nên giá bán chỉ khoảng từ 30 nghìn đồng/kg. Trong khi giống vải Thanh Hà có vỏ dày, hạt nhỏ, đẹp mã, được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên giá bán thường cao hơn gấp 2 lần nên đã ghép cành vải Thanh Hà vào cây U hồng giúp cây khỏe, chất lượng quả tốt; giá bán, thu nhập cao hơn. Năm nay, gia đình anh đang ghép thêm 400 cây để nhân rộng mô hình.

Anh Nghiêm Văn Thắng chăm sóc vườn vải sau thu hoạch.

Tương tự, không chỉ lai tạo, ghép cây cho chất lượng quả tốt nhất, gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn còn liên kết với một doanh nghiệp sản xuất 2 ha vải thiều theo phương pháp hữu cơ. Theo đó, gia đình đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi quá trình chăm sóc, phát triển của vườn vải. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua, chế biến phục vụ xuất khẩu với giá 200 nghìn đồng/12 quả (tương đương hơn 16,6 nghìn đồng/quả). Đây là mức giá kỷ lục chưa từng được ghi nhận của vải thiều.

Theo UBND huyện Lục Ngạn thì người dân đã chú trọng hơn trong kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ, phát triển thương hiệu, uy tín vải thiều. Cùng đó là chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giúp vải thiều có chất lượng đồng đều hơn. Hiện, toàn huyện duy trì khoảng 12 nghìn ha vải thiều sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; bước đầu trồng thử nghiệm 20 ha vải thiều hữu cơ, cho chất lượng, giá bán cao. Đặc biệt, vụ vải năm 2019 đánh dấu bước phát triển mới khi quả vải lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc với đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Cơ quan chức năng nước bạn cũng đã cấp hơn 40 mã vùng trồng, điểm sơ chế sản phẩm tại 30 xã, thị trấn và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì, Lục Ngạn và Bắc Giang đang đi đúng hướng trong sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ vải thiều. Điều này đã góp phần giúp nâng giá trị quả vải, tìm ra lời giải thỏa đáng cho bài toán “được mùa, mất giá”, nhiều hộ phải đổ bỏ xuống sông như trước đây. Tuy vậy, theo nhiều thương nhân, vụ vải năm nay vẫn còn một số hạn chế như một số lô hàng bị phía Trung Quốc phạt, trả lại vì sử dụng thuốc nhuộm vỏ cho quả đẹp hơn; cuống bó quá dài, còn lẫn lá…Thậm chí, vì cái lợi trước mắt, một số người còn rắc cát, trát bùn vào cuống, lá để vải thiều nặng cân hơn.

Điều này thể hiện tư tưởng tiểu nông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Nếu không kiểm soát tốt, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng “con sâu bỏ dầu nồi canh” như đã từng xảy ra đối với một số nông sản khác, chỉ vì một vài lô hàng bị phát hiện có tồn dư thuốc kháng sinh, bơm tạp chất… dẫn đến cả ngành đứng trước nguy cơ nhận thẻ vàng, cấm xuất khẩu. Để cứu lấy mình, trong vụ thu hoạch năm 2019, các doanh nghiệp đã phải thuê thêm nhân công dùng khăn ướt lau quả trước khi mua, tránh để lọt sản phẩm bị nhuộn vỏ. Cùng đó, mỗi ngày doanh nghiệp đều phải bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê người vặt lá, cắt cuống trước khi đóng gói sản phẩm.

Thống kê của huyện Lục Ngạn cho thấy, vụ vải năm nay, toàn huyện đã xuất khẩu hơn 52 nghìn tấn vải sang thị trường Trung Quốc và bước đầu tiếp cận một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan và EU; tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Toàn huyện có gần 6,6 nghìn hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Trong đó có gần 400 hộ có thu nhập hơn 300 triệu đồng; hơn 80 hộ thu hơn 500 triệu đồng và hàng chục hộ đã thu cả tỷ đồng.

Bài, ảnh: Vân Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực