Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Thứ ba, 19/09/2017 09:37
(ĐCSVN) – “Câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai, hay trong bất cứ lĩnh vực nào. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự khởi nghiệp còn khó khăn hơn nhiều bởi đầu tư của người nông dân mới chỉ là khâu đột phá trong cả một chuỗi liên kết”.

Đó là đánh giá của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại buổi họp báo thông tin về hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ 5 và hội nghị tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn khởi nghiệp và mang lại những thành công

Phát huy vai trò cầu nối

Theo đồng chí Lại Xuân Môn, trong hơn 30 năm đổi mới, nông dân là những người đã khởi nghiệp thành công, tạo nên sự đột phá trong nền nông nghiệp. Từ một nước thiếu ăn, người dân Việt Nam đã đủ ăn trong thời gian ngắn và trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thì kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ, người nông dân là chủ thể.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam với nhiều hạn chế trong sản xuất đã khiến giá trị nông sản làm ra chưa cao và một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn nghèo khó. Trong khi đó, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng. Không ít các cuộc thi, diễn đàn khởi nghiệp được tổ chức, tạo cho các đối tượng khởi nghiệp có cơ hội giao lưu, phát triển, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có liên quan đến nông nghiệp, các mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng lại rất ít.

Bởi vậy, để hỗ trợ người nông dân có thể vượt qua những khó khăn, thách thức thì các cấp hội cần phát huy vai trò cầu nối truyền tải những nghị quyết, chủ trương của Đảng đến với người nông dân; động viên giai cấp nông dân phát huy tinh thần sáng tạo để tiếp tục đổi mới, khởi nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Muốn vậy Nhà nước và Hội Nông dân các cấp phải hướng người nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; liên doanh liên kết hợp tác để tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị cao; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển từ coi trọng năng suất sang chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đưa nền nông nghiệp của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

Theo ông Phạm Tuấn Sơn, Trưởng ban Tiếp thị truyền thông, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau: Trong vấn đề khởi nghiệp của người nông dân, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Là một trong những doanh nghiệp luôn đồng hành cùng người nông dân, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mong muốn trở thành cầu nối đưa những kiến thức, thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng đến với người nông dân và ngược lại. Đặc biệt, trong vấn đề khởi nghiệp, thông qua các buổi hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Công ty đã lựa chọn những mô hình khởi nghiệp từ nhiều địa phương để cùng chia sẻ, trao đổi trực tiếp với người nông dân, trên cơ sở đó sẽ tạo ra nguồn thông tin để những người nông dân học hỏi lẫn nhau, trên cơ sở đó cùng khởi nghiệp để phát triển.

"Khó khăn lớn nhất của người nông dân là vấn đề thông tin. Thực tế cho thấy, người nông dân Việt Nam hiện nay làm được, biết được nhưng lại không thể nói ra được. Vì thế từ quá trình thực hiện chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì doanh nghiệp phải xây dựng được một chuỗi liên kết, đảm bảo từ đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm, đó là điều kiện đầu tiên giúp nông dân khởi nghiệp thành công. Điều này cũng đòi hỏi sự quan tâm lớn từ các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp" - ông Sơn nhấn mạnh.

Những mô hình nông dân khởi nghiệp

So với chăn nuôi lợn, gà như hiện nay thì nuôi chim câu không cần vốn đầu tư quá lớn mà lại có thu nhập khá. Điểm quan trọng là, hiện nay nguồn cung chim bồ câu thương phẩm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% thị trường, nên việc tiêu thụ khá dễ dàng. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở rộng quy mô thì các hộ chăn nuôi cần phải tăng cường mối liên kết, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Anh Hùng thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp  

Đó là khẳng định của anh Ngô Quang Hùng ở thôn Thi Xá, xã Cách Bi (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), chủ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Mô hình của anh là 1 trong 43 mô hình được Ban Tổ chức chương trình Nông dân khởi nghiệp lựa chọn để vinh danh trao thưởng tại Hà Nội.

Trước khi đến với nghề nuôi chim bồ câu, anh từng chăn nuôi lợn, gà nhưng đều không hiệu quả. Năm 2012, anh tình cờ theo dõi chương trình “Sinh ra từ làng” và biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là anh quyết định đầu tư nuôi chim.

Để chắc chắn thành công, anh Hùng không nóng vội mà dành nguyên 1 năm để tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi chim từ các chuyên gia cho đến các hộ nuôi chim ở các tỉnh lân cận. Đến năm 2013, sau khi đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm, anh Hùng mới quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 150 cặp chim bố mẹ. Sau 6 tháng chăm bẵm, những chú chim câu non lứa đầu tiên đã được xuất bán, gia đình anh thu về hơn 30 triệu đồng tiền lãi.

Nhận thấy nuôi chim câu vừa nhàn, lại cho thu nhập cao và quan trọng là nhu cầu thị trường còn rất lớn, anh Hùng quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng số lượng chim bố mẹ lên tới 700 cặp năm 2015 rồi 1.500 cặp chim bố mẹ như hiện nay.

Không chỉ làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp, quan trọng hơn, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Nhờ sự hỗ trợ của anh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quế Võ và các tỉnh lân cận đã mạnh dạn đầu tư nuôi chim và bước đầu cho kết quả khả quan.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim câu Pháp, anh Hùng bộc bạch: “Chim bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn. Tuy nhiên, để chim sinh trưởng, phát triển tốt, bà con cần tiêm phòng 3 loại bệnh đậu gà, newcatson, tụ huyết trùng cho chim. Ngoài ra, trong những ngày hè nắng nóng, trứng chim câu thường bị ung, hỏng rất nhiều. Để khắc phục, anh Hùng thường lấy trứng chim câu cho vào máy ấp, còn để chim câu ấp trứng… giả. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng chim câu nở lên đến 90%.

Với tổng diện tích 300 m2, mỗi tháng anh Hùng xuất bán hơn 700 cặp chim thịt với giá 110.000 – 140.000 đồng/cặp, thu về hơn 70 triệu đồng, trừ hết mọi chi phí, anh còn thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ nuôi chim câu.

* Là người nông dân sở hữu khối tài sản 14ha đất, sau nhiều năm thử nghiệm các loại cây ăn quả nhưng đều không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong một lần tình cờ đến tham quan những vườn bưởi ở Bến Tre, chị Nguyễn Thanh Thủy ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã quyết tâm đưa giống bưởi da xanh ở đây về trồng tại Bình Dương.

Ngoài trồng bưởi, chị Thủy còn nuôi gia công 50.000 con gà cho công ty trên địa bàn để lấy ngắn nuôi dài. Trang trại gà công nghiệp không chỉ nhanh cho thu nhập mà còn trở thành nguồn cung cấp phân tốt cho vườn bưởi. Từ quá trình chăn nuôi, trồng trọt, qua tìm hiểu chị Thủy đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân vi sinh (làm từ phân gà) dành riêng bón cho cây bưởi da xanh. Đặc biệt, chị đã áp dụng thành công kỹ thuật điều khiển bưởi ra trái vụ nhằm tăng năng suất, nhờ vậy, vườn bưởi nhà chị luôn cho trái quanh năm. 

Năm 2001, chị Thủy thành lập mô hình trang trại và đăng ký bản quyền nhãn hiệu. Đến năm 2009, chị thành lập Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy. Ngoài trang trại của mình, chị đã liên kết với một số trang trại chuyên canh bưởi da xanh và Năm roi ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bình Thuận.

Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy chủ yếu là các thương lái ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang một số nước như Hà Lan, Séc... với sản lượng 200 tấn/năm.

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, công tác tuyên truyền của Hội Nông dân Việt Nam, để những nông dân có tư tưởng khởi nghiệp hiểu rõ, tư duy đúng, đồng thời khuyến khích động viên cho những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc có tính khả thi cao của nông dân. Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tổ chức hội nghị Nông dân khởi nghiệp vào chiều 18/9/2019 tại Hà Nội.

Tham gia hội nghị Nông dân khởi nghiệp, nông dân sẽ được gặp gỡ, chia sẻ về các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp; trao đổi, giao lưu các mô hình khởi nghiệp thành công từ đó có cách nhìn mới về khởi nghiệp trong nông dân..

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực