Người nông dân biết ép cây vải thiều ra hoa đúng vụ

Thứ tư, 26/04/2017 00:30
(ĐCSVN) - Do thời tiết đầu năm nay rét ít, nóng ẩm nên nhiều vườn vải thiều muộn, hay còn gọi vải chính vụ ra lộc nhiều mà không ra hoa, khiến người dân trồng vải ở Bắc Giang gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế mất mùa vải, ông Trần Văn Hành ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tìm ra phương pháp ép cây vải thiều ra hoa đúng vụ.

Ông Trần Văn Hành vui mừng kiểm tra những cây vải đang ra quả non sau khi áp dụng phương pháp mới. Ảnh: TH

Thông thường, hàng năm vào đầu tháng giêng là cây vải thiều chính vụ đã bắt đầu ra hoa, nhưng năm nay, đến độ cùng kỳ mà cây vải vẫn lộc nhiều, xanh lá. Trước nguy cơ mất mùa vải, ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã trăn trở suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo và áp dụng thành công kỹ thuật theo ý tưởng của mình để cây vải ra hoa theo ý muốn.

Ông Lâm Nguyên Năng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn đưa chúng tôi về xã Giáp Sơn - một địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn trong huyện. Toàn xã có 1.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải thiều là gần 900 ha thì năm nay cũng chỉ ra hoa được khoảng 20%. Trong khi trao đổi chúng tôi được biết, trong xã có ông Trần Văn Hành đã nghĩ ra phương pháp khiến cây vải chính vụ năm nay ra hoa nhiều hơn.

Ông Trần Văn Hành là người dân tộc Sán Dìu ở thôn Chão, xã Giáp Sơn. Gia đình ông Hành có hơn 2 ha trồng vải thiều. Hàng năm, gia đình ông thu hoạch từ cây ăn quả khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, trong đó từ vải thiều là chủ yếu. Vụ vải năm nay, những cây vải sớm ra hoa nhiều hơn còn vải muộn chính vụ chỉ ra hoa khoảng 20%. Mất mùa vụ vải là mất đi nguồn thu quá lớn của gia đình, vì thế ông Hành luôn trăn trở tìm cách để cây vải ra hoa, đậu quả. Qua mấy chục năm trồng vải, ông nghiên cứu tìm nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này. Từ thực tế chăm sóc ông đã nắm được một số quy luật phát triển của cây vải; các loại thuốc, các loại phân liên quan; thời điểm chặt gốc, tỉa cành cho cây. Qua nghiên cứu ông Hành đã lựa chọn cách dùng thuốc đã từng sử dụng phun cho cây để xử lý lộc, phân hóa mầm hoa và kết hợp với cắt mầm lá, tỉa cành trên thân cây để tập trung dinh dưỡng kích cho cây vải ra hoa. Ông Hành thử nghiệm phương pháp này vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời lạnh dưới 15 độ C và không bón cho cây vải bất cứ loại phân nào. Từ lúc phun thuốc và cắt mầm lá, tỉa cành đến khoảng 2 tuần sau, đợt lộc mới của cây vải được hình thành và bật ra những nụ hoa đầu tiên. Đã thấy có hy vọng, ông Hành ngày đêm bám vườn vải, miệt mài theo dõi, chăm sóc đến gần 1 tháng sau thì những cây vải áp dụng biện pháp trên đã nở hoa và sau đó hình thành quả non.

Đến thăm vườn vải đầu mùa của gia đình nhà ông Hành, chúng tôi dễ dàng nhận ra bên cạnh những cây vải sớm, nhiều cây vải muộn chính vụ chi chít quả đang lớn dần. Với cách làm mới sáng tạo này, diện tích cây vải ra hoa đậu quả của gia đình ông Hành đã tăng lên 40%, gấp 2 lần diện tích vải ra hoa khi chỉ chờ vào thời tiết. Trao đổi với chúng tôi, ông Hành không giấu nổi niềm vui vì đã áp dụng thành công phương pháp mới mà mình tìm ra. Chưa thể ước được sản lượng và giá trị tăng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn thu nhập từ vụ vải thiều năm nay của gia đình sẽ không thể kém những năm bình thường, ông Hành cho biết.

Theo ông Lâm Nguyên Năng, ông Hành là người tìm ra phương pháp mới kích cho cây vải năm nay ra hoa đúng thời vụ. Những năm trước đây, ông Hành cũng là một trong những người đi đầu huyện Lục Ngạn trong việc áp dụng biện pháp để cây vải thiều ra quả trên thân cây. Việc thực hiện ý tưởng sáng tạo thành công của ông Trần Văn Hành cần được các cơ quan quản lý nghiên cứu để phổ biến, nhân rộng. Đây là mô hình mới, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao./.

Thái Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực