Nâng cao chất lượng, đưa vải thiều Bắc Giang đến các thị trường mới

Thứ ba, 20/06/2017 10:18
(ĐCSVN) - Mùa vải năm 2017 của tỉnh Bắc Giang giảm nhiều về sản lượng, dù vậy, việc được giá bán kỳ vọng sẽ không làm giảm giá trị so với mọi năm. Hiện nay, đẩy mạnh công tác tiêu thụ, đưa quả vải tiếp tục đi xa hơn, đến với các thị trường khó tính đang là mối quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Do thời thiết nắng nóng kéo dài trong mùa đông vừa qua đã làm giảm khả năng ra
hoa và cho quả của cây vải thiều Bắc Giang. (Ảnh: BT)

Sản lượng vải giảm do thời tiết bất thuận

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 30 nghìn ha, hàng năm cho thu hoạch từ 130 - 200 nghìn tấn. Tuy nhiên, mùa vụ năm 2017, tình hình thời tiết có nhiều thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của cây vải. Vải ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016.

Năm 2017, sản lượng vải dự kiến khoảng 100 nghìn tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha cho sản lượng khoảng 26.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 24.000 ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn, bằng 60% so với năm 2016. Trên địa bàn tỉnh, hiện nay giá vải đang được bán dao động trong khoảng 30-55 nghìn đồng/kg.

Tại Lục Ngạn - một trong những huyện trọng điểm trồng vải của Bắc Giang với diện tích đạt trên 15.000ha, tỷ lệ vải thiều ra hoa cũng chỉ đạt 50%. Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho hay, năm 2017, sản lượng vải thiều Lục Ngạn ước khoảng 60 nghìn tấn, giảm khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy sản lượng giảm, nhưng nhờ nắm chắc tình hình mùa vụ, lãnh đạo địa phương đã vận động bà con tập trung chăm sóc cho những diện tích vải thiều đậu quả với phương châm cho sản lượng và chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu lấy chất lượng và bán được với giá cao nhằm bù vào sản lượng thiếu hụt. Đến nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn, ngay từ đầu vụ vải sớm người dân đã bán được giá, dao động từ 35-50 nghìn đồng/kg, giá bán cao nhất đã lên tới trên 65 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, tại nhiều vườn vải, đã có doanh nghiệp đến lấy mẫu để xét nghiệm chất lượng vải nhằm xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Hiện nay, với các loại vải chín sớm như vải Thanh Hà, vải u, vải lai,...đang được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, chiếm thị phần lớn sản lượng vải xuất khẩu của Bắc Giang. Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang đã được xuất bán sang nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia.

Với vải thiều chính vụ, vẫn còn hơn 1 tuần ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải thiều, Bắc Giang đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, đồng thời tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải thiều của tỉnh với hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các siêu thị, chợ đầu mối như: BigC, Co.opmart, Hapro, Aeon, Chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Dương,... Năm 2017, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 50.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu khoảng 50.000 tấn, chiếm tỷ lệ 50%.

Quả vải Bắc Giang được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: BT)

Để quả vải tiếp tục vươn xa

Mặc dù đã tạo được uy tín về chất lượng vải ở thị trường trong và ngoài nước nhưng vải thiều Bắc Giang vẫn là đối tượng được địa phương quan tâm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Bắc Giang Nguyễn Khanh, trong năm 2017, tổng diện tích vải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã đạt xấp xỉ 13 nghìn ha, cho sản lượng hàng năm từ 50-70 nghìn tấn, đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã bắt đầu đưa vào sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đến nay, đã có 217ha vải của hơn 300 hộ dân, chủ yếu ở vùng Lục Ngạn được cấp mã xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Công nghệ bảo quản cũng là một trong những mối quan tâm đặc biệt của xuất khẩu vải thiều. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng hình thức bảo quản sấy khô và bảo quản lạnh. Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nguyễn Khanh cho hay, Bắc Giang đang thí điểm bảo quản theo công nghệ kép nhằm xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này giá thành khá cao, để đưa áp dụng vào đại trà cần có công tác nghiên cứu cụ thể.

Hiện tại, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc với sản lượng xuất khẩu xấp xỉ 50% sản lượng vải thiều của Bắc Giang, mới chỉ có khoảng 5% trong tổng số sản lượng xuất khẩu được xuất khẩu sang các thị trường mới khó tính như: Mỹ, EU, Úc, Malaxia, Singapore. Vì vậy, nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang các thị trường khó tính, Bắc Giang đang tiếp tục mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đổi mới công tác xúc tiến với nhiều hình thức mới đa dạng hơn nhằm tiếp cận được các thị trường mới khó tính.

Nhằm đưa quả vải đến với các thị trường xa hơn, Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tích cực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ vải thiều; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thu mua, tiêu thụ vải thiều. Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu để xuất khẩu vải thiều vào các thị trường mới; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu vải thiều thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia trên thế giới. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá về tình hình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp nói chung, vải thiều nói riêng. Trên cơ sở đó, có giải pháp chiến lược lâu dài, tránh tình trạng mất mùa vải thiều như năm 2017. Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến vải thiều, đảm bảo kéo dài thời gian bảo quản để xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng.

Nhằm chuẩn bị cho mùa vụ vải năm tới, Bắc Giang đang tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch tới đâu, tiến hành tỉa cành, bón phân, chăm sóc cây vải tới đó. Qua đó, hy vọng một mùa vải bội thu cho năm sau./.

BT-ĐH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực