Mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 14/02/2019 17:30
(ĐCSVN) – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong xây dựng nông thôn mới…

Sáng 14/2, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra công tác triển khai vụ Xuân và tiến độ thực hiện Chương trình 02 tại huyện Phú Xuyên.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
phát biểu kết luận buổi làm việc với huyện Phú Xuyên. (Ảnh: TA)

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, toàn huyện đã cấy được 1.500/7.206ha lúa xuân; phấn đấu hoàn thành cấy vụ xuân trong tháng 2/2019. Toàn huyện cũng đã dồn điền đổi thửa được 9.060 ha, đạt 105,25% so với diện tích Thành phố giao. Đã tiếp nhận và cấp được 45.669 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đạt 97%.

Về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có 20/26 xã đạt chuẩn; 1 xã đạt 18 tiêu chí; 5 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 14-16 tiêu chí. Huyện đã chủ động tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo vùng sản xuất tập trung. Đến nay, huyện đã chuyển đổi 2.430ha, nhiều mô hình mới được nhân dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, rau trái vụ; mô hình rau cần an toàn, dưa leo, bí xanh an toàn, bưởi Diễn, cam Canh... Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt từ 200 - 230 triệu đồng, có mô hình đạt 400 - 500 triệu đồng/ha. Tổng kinh phí huy động vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 đến hết năm 2018 là trên 1.310 tỷ đồng...

Nhờ đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 39,6 triệu đồng/người/năm; đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%; tỷ lệ các hộ nông dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó nước sạch là 41,8%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện vẫn còn một số tồn tại như: Sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn chưa được nhiều, hàng hóa nông sản sản xuất ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản, chưa có tính cạnh tranh cao; chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp đầu tư nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Mức độ đạt tiêu chí một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa còn thấp. Vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo, nhất là ô nhiễm ở một số làng nghề truyền thống làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân; thu nhập của lao động nông thôn còn thấp…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những kết quả trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội tại huyện Phú Xuyên. Đồng chí đề nghị, trong năm 2019, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Phú Xuyên cần bắt tay thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm với tinh thần, quyết tâm cao nhất; tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

“Tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước” – đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra việc cấy bằng máy
tại cánh đồng thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng. (Ảnh: TA)
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý huyện Phú Xuyên cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn, đồng thời tập trung nguồn lực để hoàn thành 6 xã còn lại trong năm 2019. Tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, trường học để duy trì, nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục; nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục; làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn, nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa…Đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Làm tốt công tác phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm tốt công tác quốc phòng, an ninh...

Trước đó, đầu giờ sáng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã đến thăm Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng), là hợp tác xã tiêu biểu trong triển khai mô hình mạ khay - máy cấy. Hiện nay, hợp tác xã có 8 máy cấy, giúp nâng cao năng suất lao động cho nhân dân; động viên bà con ra quân sản xuất vụ Xuân tại cánh đồng thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng và thăm Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Đại Thắng. Tại đây, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã tặng sách cho thư viện của nhà văn hóa thôn; tặng một bộ máy vi tính, máy in để nhân dân trong xã tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực