Long An đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 06/01/2019 15:37
(ĐCSVN) - Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội Long An có bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tổng sản phẩm (GRDP) của Long An đạt hơn 75.800 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,36%, được ghi nhận cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều thông tin ở buổi họp báo - Ảnh: PC

Đây là thông tin được đồng chí Mai Văn Nhiều, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của UBND tỉnh Long An cho biết tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều cho biết, năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội Long An có bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,36%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, được ghi nhận cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, thu ngân sách năm 2018 đạt hơn 14.800 tỉ đồng, bằng 115 % dự toán; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp - thương mại - nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm.

Theo Người phát ngôn của UBND tỉnh Long An, Long An là tỉnh duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp gần như trọn vẹn với TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam. Lợi thế lớn của Long An là có hệ thống quốc lộ và đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp cho Long An có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh và ổn định.

Cùng với kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, công tác cải cách hành chính được tỉnh Long An chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó chỉ số PCI vươn lên tốp 5 của cả nước.

Các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đều đạt kế hoạch. Tình hình an ninh chính trị ổn định. Công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy được tập trung thực hiện đạt yêu cầu đề ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi sắp xếp lại đi vào hoạt động ổn định…

Kinh tế - xã hội trong năm 2018 của tỉnh Long An có bước phát triển vượt bậc - Ảnh minh họa: PC

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Long An về sản xuất nông nghiệp vẫn chưa ổn định, chuyển đổi cây trồng tự phát vẫn còn; tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định; triển khai Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp có mặt còn chậm; công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa tốt. Công tác xã hội hóa đầu tư còn chậm, chưa thu hút đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. An ninh trật tự xã hội có mặt chưa ổn định.

Trên cơ sở chỉ ra những mặt còn hạn chế và phát huy những kết quả đạt được, người phát ngôn của UBND tỉnh Long An cho biết, trong năm 2019, tỉnh Long An xác định mục tiêu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tăng cường tái cơ cấu tài chính công, kiểm soát đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,6%; GRDP bình quân đầu người là 74 triệu đồng/năm…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực