Liên kết vùng trong phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung

Thứ sáu, 22/09/2017 21:02
(ĐCSVN) – Sáng 22/9, tại TP.Đà Nẵng, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản khu vực miền Trung tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực hiện liên kết vùng trong phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung”.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực
Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng phát biểu tại buổi Tọa đàm (ảnh: ĐT)

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Nhà báo Trần Văn Tấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung cho biết, hiện nay, trên địa bàn cả nước, theo quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ do Bộ Xây dựng lập, trình Chính phủ phê duyệt có 9 vùng được hình thành từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998 từ Quyết định  747/1997/QĐ-TTg, Quyết định 44/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Theo Quy hoạch trên, các tỉnh Duyên hải miền Trung tính từ Quảng Bình đến Khánh Hòa nằm trong vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và đặc biệt là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Các tỉnh Duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có diện tích khoảng 5 triệu ha; có nhiều yếu tố thuận lợi về tự nhiên, xã hội để phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nắng hạn, mưa bão diễn ra thường xuyên; nằm dựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển là ưu thế lớn trong giao thương; song địa hình tỉnh nào cũng có đủ đồng bằng, trung du và miền núi, nên về mặt xã hội luôn có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương, nhất là về dân trí…

Nhìn tổng thể, toàn vùng trong những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc, GDP luôn ở mức cao khoảng hơn 9%; một số địa phương như Đà Nẵng, tuy chưa thực sự trở thành đầu tàu nhưng cũng đã trở thành điểm sáng của vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của vùng phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, liên kết vùng tại khu vực này còn nhiều vấn đề phải bàn thảo, đặc biệt là công tác quy hoạch, phân bổ, phân công để từng địa phương có thể phát huy được lợi thế so sánh, nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa trong toàn vùng. Trong khi đó, theo nhiều nhà khoa học, một trong những hạn chế của liên kết vùng tại khu vực Duyên hải miền Trung là chủ yếu nhấn mạnh đến yếu tố điều kiện tự nhiên mà xem nhẹ yếu tố quy hoạch, quản lý, điều hành, phân bổ nguồn lực….

Trước những bất cập trên, yêu cầu đặt ra trong liên kết của vùng Duyên hải miền Trung là liên kết để bổ sung những khiếm khuyết cho nhau nhằm phát huy mọi khả năng sẵn có để gia tăng hiệu quả kinh tế- xã hội theo quy mô nhất định mà nhà hoạch định chính sách đặt ra. Liên kết tốt sẽ hình thành vùng phát triển trọng điểm, chuyên biệt trong công nghiệp, nông nghiệp cũng như thương mại, dịch vụ…

Quang cảnh tại buổi Tọa đàm (ảnh: ĐT)

Trên tinh thần đó, tại Tọa đàm các đại biểu tham dự đã trao đổi, hướng đến mục tiêu khai thác và phát huy các thế mạnh tiềm năng của các nguồn lực, của từng địa phương để thúc đẩy phát triển và phát triển bền vững; Liên kết phải chọn đúng ngành, đúng lĩnh vực ưu tiên và có tính khả thi cao nhằm tạo cơ sở ban đầu làm động lực để thúc đẩy sự phát triển của các ngành riêng lẻ trong công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ…; đề xuất một số cơ chế, chính sách về quản lý, điều hành thống nhất cho toàn vùng thật thông thoáng, nhất là hệ thống chính sách từ Trung ương đến địa phương để tạo một hành lang pháp lý phát triển đồng bộ trong toàn vùng nhằm tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến quan tâm đến vai trò của Ban điều phối vùng; làm rõ cơ chế phối hợp, lĩnh vực cần phối hợp, phạm vi phối hợp để cùng phát triển nhưng cũng phát huy tốt định hướng phát triển riêng biệt của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng yêu cầu cần thống nhất lại phạm vi vùng bởi hiện nay có nhiều cách tính phạm vi vùng, từ đó dẫn đến những sai sót, không trùng khớp các số liệu thống kê, định hướng, quy hoạch….

Các đại biểu cũng trao đổi, đánh giá những kết quả bước đầu trong liên kết phát triển một số lĩnh vực, nhất là về du lịch, đầu tư hạ tầng, khai thác các cảng nước sâu, sân bay, giáo dục và đào tạo….

Theo Ban tổ chức Tọa đàm, những ý kiến tại Tọa đàm sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện hệ thống lý luận và đánh giá thực tiễn về liên kết vùng. Trên cơ sở đó tạo động lực cho sự phát triển của các tỉnh Duyên hải miền Trung trong thời gian tới./.

 

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực