Khuyến công góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế

Thứ tư, 24/04/2019 22:39
(ĐCSVN) - Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước đã được phê duyệt là trên 1.186 tỷ đồng, qua đó đào tạo nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn.

Hội nghị khuyến công quốc gia thu hút đông đảo doanh nghiệp và đại diện các ban, ngành. (Ảnh: K.D)

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua 5 năm triển khai, chương trình khuyến công quốc gia đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn của cả nước. Từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... Điều này góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.

Chia sẻ về kết quả thực hiện chương trình khuyến công quốc gia từ 2014 – 2018, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho hay, đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước đã được phê duyệt là trên 1.186 tỷ đồng. Thông qua đó, chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%).

Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới để giới thiệu các mô hình điển hình này tới các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các địa phương. Chương trình hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, chương trình tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Thông qua đó, chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường…

Chương trình khuyến công quốc gia đã mang lại nhiều hiệu quả quan trọng, nhưng tham luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, cấp xã tại nhiều địa phương chưa hình thành, nên việc khai thác, triển hai đề án khuyến công còn khó khăn. Đáng chú ý, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

Các sản phẩm khuyến công được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị (Ảnh: K.D)

Riêng với TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn vừa qua trên địa bàn TP. Hà Nội, khuyến công đã được lồng ghép với các chương trình khác nhằm huy động thêm nguồn lực thực hiện. Ngoài kinh phí của thành phố, chương trình đã thu hút thêm trên 100 tỷ đồng vốn từ các cơ sở công nghiệp nông thôn cho triển khai thực hiện các đề án. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn của thành phố đã đạt 98.000 tỷ đồng, tạo ra 1.500 mẫu sản phẩm mới, tạo việc làm cho 430.000 lao động với thu nhập ổn định 50 triệu/người/năm. “Kết quả trên đã chứng minh tính đúng đắn, thiết thực của khuyến công và vai trò nổi bật của Bộ Công Thương trong tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cũng như công tác chỉ đạo các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Tương tự, Lâm Đồng là địa phương được biết đến với hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi. Hình thức này đã giúp khuyến công Lâm Đồng thu hút vốn đối ứng gấp 4 lần so với vốn ngân sách hỗ trợ. Nguồn kinh phí của cơ sở thụ hưởng luôn chiếm 60% trong tổng kinh phí thực hiện các đề án. 5 năm qua, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 500 cơ sở; 230 biên bản ghi nhớ hợp tác phân phối sản phẩm, 110 hợp đồng mua bán giữa các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã được ký kết.

Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, dưới sự góp sức của công tác khuyến công, 10 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Công tác khuyến công là giải pháp cần thiết và quan trọng để phát triển ngành nghề và kinh tế khu vực nông thôn. Có thể thấy, Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018 đã phát huy tốt hiệu quả./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực