Không chỉ là đối tác, Việt Nam còn muốn là người bạn chân thành

Thứ tư, 16/10/2019 19:57
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Hội nghị VBS 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam chắc chắn là đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số, nhưng Việt Nam muốn không chỉ là đối tác mà còn là người bạn chân thành.

Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số

Chiều ngày 16/10, sau 3 phiên thảo luận Chuyên đề, phiên Toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2019)  đã diễn ra với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Toàn cảnh phiên Toàn thể VBS 2019 (Ảnh: M.P)

Phát biểu trong phiên Toàn thể, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBS 2019, đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á cho biết, trong 3 phiên thảo luận chuyên đề đã diễn ra rất sôi nổi, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những cơ hội kinh doanh ở Việt Nam trong thời kinh tế số và thể hiện sự quan tâm mở rộng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, Việt Nam đã trở thành mẫu hình thành công của sự ổn định về kinh tế vĩ mô, và sự bứt phá về tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7%/năm, cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, và đã vượt lên 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 là một kỳ tích. Đạt được kết quả này có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự điều hành trực tiếp sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh và cũng là kiến trúc sư của loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh trạnh quốc gia – khung khổ nền tảng của công cuộc cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam từ năm 2015 đến nay.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Vũ Tiến Lộc chính là tiềm năng và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới. Ông cho biết, dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín đều đưa ra những con số lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 90% cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước tin rằng tình hình kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong thời gian tới. 130 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại kinh doanh trong 09 tháng đầu năm nay và 70% các doanh nghiệp FDI cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Cải cách thể chế được tăng tốc, hội nhập được thúc đẩy, niềm tin thị trường được củng cố, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đang được hoàn thiện... Tất cả sẽ là điểm tựa và những cú hích cho phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

"Việt Nam hoan nghênh và chào đón các công ty quốc tế sẽ đến và hợp tác với Việt Nam trong chương trình chuyển đổi số và đầu tư vào Việt Nam các dự án kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số - để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để kích hoạt một làn sóng đầu tư FDI có chất lượng cao hơn vào Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm mới ở Việt Nam “Created in Vietnam” chứ không chỉ “Made in Việt Nam” hay “Make in Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại VBS 2019 (Ảnh: T.H)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam chắc chắn là đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số, nhưng Việt Nam muốn không chỉ là đối tác mà còn là người bạn chân thành.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ tất cả các sáng kiến để thị trường thế giới được mở, tạo thuận lợi cho các đối tác cùng cạnh tranh bình đẳng.

“Việt Nam đã là điểm đến của các nhà đầu tư từ hơn 130 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Trên 30.000 các dự án đầu tư từ nước ngoài đạt trên 300 tỷ USD. Việt Nam hôm nay đã là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư, không chỉ là điểm kinh doanh mà là mảnh đất gắn bó với nhiều doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng cho hay.

Trong đó, hầu hết các tập đoàn lớn nhất trên thế giới với những công nghệ làm thế giới phát triển tốt đẹp hơn đã đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cùng các đối tác nước ngoài đã từng bước tham gia vào quá trình sản xuất các công nghệ mới. Cùng nhau nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho biết, theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước chưa thực sự sẵn sàng với vị trí thứ 58/100. Vì vậy Việt Nam rất mong muốn cải thiện các chỉ số để  đứng vào tâm thế sẵn sàng.

Để làm được điều đó theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy, trước hết là thay đổi những quy định không còn phù hợp, tạo môi trường pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, trên tinh thần cho làm thử nghiệm. Chính thức và tạo điều kiện lan toả khi chứng minh được tính hiệu quả. Quan trọng nhất và dài hơi là đào tạo nhân lực, để lao động được trang bị kiến thức cần thiết, thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam luôn mở cửa chào đón doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Những thành tựu về tăng trưởng GDP, giá trị xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nước ngoài.

“Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, coi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam, coi khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là khó khăn của mình, từ đó tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định./.

Hữu Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực