Hưng Yên: Tăng thu nhập nhờ chuyên canh cây nghệ

Thứ bảy, 29/07/2017 11:17
(ĐCSVN) - Là huyện thuần nông của tỉnh Hưng Yên, những năm gần đây, nhờ phát triển cây nghệ nên nhiều hộ nông dân tại một số xã ở huyện Khoái Châu đã có thêm thu nhập. Hiện nay, nghệ là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Khoái Châu.
Chuyên canh cây nghệ đã giúp người dân Khoái Châu có thêm thu nhập. (Ảnh: TL)

Nghệ vàng, nghệ đỏ vốn là cây trồng truyền thống của người dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trước đây, cây nghệ vàng, nghệ đỏ thường được trồng với quy mô nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Khoảng gần chục năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, cây nghệ vàng dần được phát triển theo hướng chuyên canh với diện tích lớn. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến nay tổng diện tích trồng nghệ của huyện Khoái Châu đã đạt gần 300 ha, tập trung nhiều ở một số xã như Chí Tân, Nhuế Dương, Đại Tập, Đại Hưng, Thuần Hưng... Năm 2016, sản lượng nghệ toàn huyện đạt gần 9.000 tấn các loại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và được chăm sóc tốt nên năng suất cây nghệ ở Khoái Châu thường đạt bình quân từ 10 - 12 tấn củ/mẫu. Với mức giá thu mua tại ruộng vào khoảng 35 nghìn đồng/kg (nghệ loại 1) và 25 - 27 nghìn đồng/kg (nghệ loại 2), thu nhập từ cây nghệ mang lại cho người nông dân Khoái Châu ước cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Chị Hoàng Thị Bé ở thôn Tân Hưng, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu phấn khởi cho biết: “Trước đây trồng lúa, trồng lạc chỉ đủ ăn. Từ khi đầu tư phát triển cây nghệ, nhờ đầu ra ổn định nên gia đình tôi đã có thêm thu nhập, có thêm điều kiện lo cho các con ăn học. Năm ngoái, trừ chi phí các loại, gia đình tôi cũng thu được gần 100 triệu đồng từ tiền bán nghệ”.

Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ trồng nghệ ở huyện Khoái Châu đã không chỉ sản xuất và kinh doanh nghệ tươi mà còn mạnh dạn đầu tư trang, thiết bị chế biến các sản phẩm từ nghệ như tinh bột nghệ, bột nghệ... Do vậy, đã giúp nâng cao giá trị của cây nghệ, đa dạng hoá các loại sản phẩm từ nghệ và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, toàn huyện Khoái Châu đã có gần 20 cơ sở chế biến các sản phẩm từ nghệ. Không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, các sản phẩm như tinh bột nghệ, bột nghệ... của người nông dân Khoái Châu đã bước đầu được xuất sang một số thị trường nước ngoài như: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…

Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ nghệ tươi và các sản phẩm từ cây nghệ ở huyện Khoái Châu khá thuận lợi. Hầu như toàn bộ sản lượng nghệ của huyện được các công ty mỹ phẩm và các công ty dược phẩm thu mua ngay tại ruộng, thông qua các thương lái địa phương. Một phần nhỏ trong tổng sản lượng nghệ được người dân giữ lại để chế biến bột nghệ và tinh bột, bán ra thị trường với giá cao hơn nghệ tươi. Đặc biệt, từ năm 2016, một số công ty đã tìm về địa phương trực tiếp ký hợp đồng bào tiêu sản phẩm với người dân xã Chí Tân. Người dân vì vậy càng phấn khởi phát triển cây nghệ do được thu mua ngay từ khi “mới xuống giống”.

Là xã đi đầu trong phát triển chuyên canh cây nghệ ở Khoái Châu, hiện nay, xã Chí Tân đang có gần 200 ha trồng nghệ, chiếm 2/3 tổng diện tích nghệ toàn huyện. Theo các hộ trồng nghệ ở Chí Tân chia sẻ, trồng nghệ đơn giản, không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi ha trồng nghệ cho thu hoạch trung bình khoảng 27 tấn, giá trị kinh tế mang lại ước đạt trên 400 triệu đồng/ha. Do đó, toàn bộ diện tích đất cấy lúa lúa kém hiệu quả đã được người dân Chí Tân cải tạo để trồng cây nghệ vàng, nghệ đỏ.

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch UBND xã Chí Tân cho biết: Chí Tân nằm ven đê sông Hồng, đất canh tác phần lớn là pha cát, rất thích hợp với trồng cây nghệ vàng. Hiện nay, 100% hộ dân trong xã đều trồng nghệ, nhà ít cũng vài ba sào, mỗi sào nghệ cho thu lãi trên 20 triệu đồng. Trong thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân chuyển đổi gần 100 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả ở cả 3 thôn sang chuyên canh cây nghệ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu cho biết: “Hiệu quả thu được từ chuyên canh cây nghệ ở Khoái Châu là khá lớn. Chuyên canh nghệ đang thực sự là hướng phát triển kinh tế hiệu quả giúp nông dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện có thêm thu nhập, phát triển đời sống”.

Thực tế phát triển cây nghệ ở huyện Khoái Châu những năm qua cho thấy, tuy đầu ra sản phẩm khá rộng song nhìn chung người sản xuất vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động thu mua của thương lái, nhiều thời điểm vẫn bị tư thương ép giá, nhất là khi thu hoạch rộ. Công nghệ chế biến, bảo quản còn hạn chế nên cũng làm giảm giá trị kinh tế của nghệ tươi và các sản phẩm chế biến từ nghệ. Cùng với đó, thời gian gần đây đang xuất hiện tình trạng lợi dụng thương hiệu nghệ Khoái Châu để trà trộn nghệ từ các địa phương khác. Đây là nguy cơ đe doạ chất lượng và giá trị của thương hiệu nghệ Khoái Châu.

Để tránh rơi vào kịch bản “tăng trưởng nóng” đối với cây nghệ như đã xảy ra với một số loại cây trồng khác, mong mỏi của người trồng nghệ tại các xã thuộc huyện Khoái Châu là sớm được sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng để có thể phát triển cây nghệ một cách ổn định, bền vững, hiệu quả. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu nghệ Khoái Châu để cây nghệ thực sự là cây trồng mũi nhọn nâng cao đời sống cho nông dân./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực