Hòa Bình: Nâng cao đời sống người dân từ cải tạo vườn tạp

Thứ bảy, 27/01/2018 16:45
(ĐCSVN) - Giá trị kinh tế thu được mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng trên 1 ha; nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp với những loại nông sản nổi tiếng như cam, bưởi… Đó là những hiệu quả mang lại từ việc đẩy mạnh cải tạo vườn tạp tại nhiều địa phương ở tỉnh miền núi Hòa Bình. Cải tạo vườn tạp đang trở thành hướng đi đúng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống n

 

 

Việc cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây đặc sản đã giúp nhiều hộ nông dân ở Hòa Bình có thêm thu nhập. Ảnh: PA


Với đặc điểm một tỉnh miền núi có diện tích đất lâm nghiệp, đất đồi khá lớn, từ lâu kinh tế vườn đồi đã được phát triển tại nhiều huyện, thành phố của Hòa Bình với tổng diện tích đất vườn toàn tỉnh vào khoảng hơn 21.000 ha. Tuy nhiên, do thói quen sản xuất, trình độ canh tác, điều kiện địa hình… nên trước đây, phần lớn diện tích đồi của người dân chỉ được phát triển dưới hình thức vườn tạp. Người dân trồng các loại cây bản địa như chuối, tre, hồng bì… nên chủ yếu mang tính tự cung tự cấp; giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất không cao. Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế địa lý cận Thủ đô Hà Nội, mở hướng làm giàu cho người dân, từ cuối năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU vận động người dân cải tạo vườn tạp gắn với đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, chủ trương cải tạo vườn tạp đã khẳng định rõ tính hiệu quả trong thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo đó, để phong trào cải tạo vườn tạp thực sự có hiệu quả, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt coi trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 8 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn tại các vùng trồng rau chuyên canh trên địa bàn các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình; tổ chức 31 lớp học hiện trường, 1 lớp đào tạo giảng viên nông dân về chăm sóc quản lý sâu bệnh theo hướng bền vững trên rau và cây có múi tại 2 huyện Cao Phong, Lương Sơn với hơn 900 nông dân tham gia. Sở Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng 54 quy trình công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao cùng 44 mô hình sản xuất, trình diễn, đào tạo, tập huấn cho gần 1.000 kỹ thuật viên và nông dân. Từ đó, người dân đã hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến; những loại cây trồng bản địa đã được thay thế dần bằng giống cây trồng mới; việc cải tạo vườn tạp đã làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích tăng khá cao.

Là một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào cải tạo vườn tạp, đến nay huyện Tân Lạc đã có trên 800 ha vườn tạp được cải tạo thành những vườn cây đặc sản với các loại cây trồng như su su, bưởi đỏ, bưởi da xanh, quýt ngọt, cam Canh… Đến thăm hộ anh Bùi Văn Bình ở bản Tân Phong, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, nhìn những vườn bưởi sai trĩu quả chuẩn bị đến vụ thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, ít ai nghĩ khu đồi này trước vốn là diện tích vườn tạp gần như bị bỏ hoang. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, sau khi được tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, Anh Bình đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định trồng thủ nghiệm giống bưởi đỏ kết hợp với trồng mía tím. Đến nay, diện tích vườn bưởi của gia đình anh Bình đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Bùi Văn Bình chia sẻ: “Cũng mảnh đất ấy nhưng nếu trước đây hiệu quả kinh tế chẳng đáng bao nhiêu thì nay nhờ cải tạo, thay đổi cơ cấu giống cây trồng khu vườn đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng”.

Được biết đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Hòa Bình đã có trên 6.000 ha đất vườn tạp được cải tạo để trồng cây cho giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở kết quả cải tạo vườn tạp, tỉnh Hòa Bình cũng đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất cam Cao Phong được chứng nhận VietGAP, sản xuất tập trung với diện tích được chứng nhận năm 2017 là trên 150 ha; vùng sản xuất cây có múi thuộc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại Mường Động (huyện Kim Bôi) với diện tích 125 ha; vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thuỷ (huyện Kim Bôi) với diện tích 34 ha. Năm 2017, Sở NN&PTNT đã rà soát, xác định được 14 khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại 7 huyện với diện tích 289,5 ha… Toàn tỉnh có gần 450 ha diện tích sản xuất trồng trọt được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trong đó, có hơn 166 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải tạo các diện tích vườn tạp đã thu được những kết quả tích cực bước đầu. Đã có hàng nghìn hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả (nhãn, na, cây ăn quả có múi), rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu… qua đó vừa giúp khai thác có hiệu quả diện tích đất vườn đồi vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống người dân.

Bên cạnh đó, với mục tiêu gắn cải tạo vườn tạp với việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Hòa Bình còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người sản xuất, các chủ vườn thực hiện việc quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm. Đến nay, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ người dân xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng như: Nhãn hiệu cam Cao Phong; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ (huyện Kim Bôi); rau su su Quyết Chiến, (huyện Tân Lạc); quả lặc lày (huyện Lương Sơn); hỗ trợ cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm cam Lạc Thuỷ, bưởi đỏ Tân Lạc… Thông qua đó, đã giúp mở rộng thị trường các loại mặt hàng nông sản đồng thời là điều kiện để nông dân yên tâm đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển sang chuyên canh các loại cây đặc sản.

Tuy đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, song thực tế việc cải tạo vườn tạp ở Hòa Bình cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Một bộ phận cán bộ, nhân dân thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật làm vườn; nhiều hộ dân chưa chịu khó, chưa mạnh dạn thay đổi cây trồng; nhiều diện tích đất vườn đồi bị xói mòn rửa trôi, khó áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác; quy mô đất vườn trong mỗi hộ dân nhỏ, manh mún, khó áp dụng tưới tiêu và cơ giới hóa…

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, hướng tới đẩy nhanh việc cải tạo diện tích vườn tạp, thời gian tới các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên người dân mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp gắn với hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nông dân về vốn đầu tư, giống cây trồng… Đồng thời, tăng cường việc quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ qua đó tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản đặc sản giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở hiệu quả cải tạo vườn tạp./.

 
Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực