Hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ sáu, 22/02/2019 09:55
(ĐCSVN) – Với các nguyên tắc “công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hỗ trợ sự tham gia của người dân, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước”, đối tác Chính phủ mở (Open Government Partnership – OGP) sẽ là một cơ chế hữu ích giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Tiến sĩ Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: VOV)

Thông  tin trên được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Đối tác Chính phủ mở có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Tổ chức Hướng tới Mmnh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tổ chức ngày 21/2, tại Hà Nội.

Trình bày tại Hội thảo, Tiến sĩ Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã thông qua “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” vào tháng 5/2017, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam đến năm 2030. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ đầy thách thức đối với Chính phủ Việt Nam.

Đối tác Chính phủ mở (OGP) là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay đã có 79 quốc gia và 20 chính quyền địa phương tham gia làm thành viên của sáng kiến. Nhiều quốc gia thành viên sử dụng OGP như một công cụ thúc đẩy quản trị tốt, phòng chống tham nhũng và phát triển bền vững.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch Nguyễn Thị Kiều Viễn cho rằng, Chính phủ phải duy trì được các thành quả đã đạt được về tỷ lệ tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh viện trợ quốc tế cho Việt Nam đang suy giảm. Trong bối cảnh toàn cầu mới, Chính phủ cần đưa ra những cam kết hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện hơn. Quan trọng nhất là ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng thể chế và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự đóng góp và tham gia tích cực của toàn xã hội, các bộ ngành địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch Nguyễn Thị Kiều Viễn nhận định,  mặc dù Việt Nam hiện chưa phải là thành viên của OGP, nhưng các nguyên tắc của OGP (công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân) đều là những nội dung mà Đảng và Nhà nước đang làm và muốn làm. Thời gian gần đây, Việt Nam đang củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy chính phủ điện tử, cải cách hành chính.

Tổ chức Hướng tới minh bạch cũng chỉ ra rằng, các nguyên tắc của OGP sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, bằng cách tạo ra các cơ hội kinh doanh và thu hút đầu tư có chất lượng, đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội, và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các diễn giả thống nhất cho rằng, các nguyên tắc của OGP rất phù hợp với các chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý nhà nước, đồng thời là cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quản trị và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các kế hoạch hành động của Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, cần lồng ghép các nguyên tắc của OGP để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực