Giữ nghiêm kỷ cương quản lý thu chi ngân sách

Thứ hai, 19/02/2018 09:45
​(ĐCSVN) – Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Hà - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẳng định: “Năm 2018, phải tiếp tục chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thu chi ngân sách gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng”.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà. (Ảnh: M.P)


Phóng viên (P.V) :
Nhìn lại năm 2017, ông đánh giá thế nào về công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước ?

 

Ông Nguyễn Hồng Hà: Năm 2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã bám sát Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng quy định của pháp luật.

 

Cụ thể, KBNN tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời, trách nhiệm và có chất lượng đối với các cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN; thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, đảm bảo các khoản chi phải có trong dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; không thanh toán đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt dự toán...; xây dựng ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chi lương, phụ cấp đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát, chiếm dụng tiền NSNN...

 

P.V: Được biết, trong những tháng cuối năm 2017, KBNN chính thức triển khai thực hiện Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN trên toàn quốc. Với việc triển khai đề án này, công tác kiểm soát chi sẽ có những thay đổi như thế nào trong năm 2018?

 

 Ông Nguyễn Hồng Hà: Đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN” được các đơn vị trong hệ thống triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 01/10/2017 theo kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt. Theo cách thức cũ, việc tổ chức công tác kiểm soát chi NSNN trong hệ thống KBNN chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận thực hiện (phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Cách làm này đã đáp ứng được yêu cầu công việc của giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, trong tình hình mới, cần phải cải tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN, đặc biệt là với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên, chi đầu tư, bảo đảm nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán…

 

Trong năm 2018, với việc thực hiện Đề án sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trên. Theo đó, thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi của NSNN tại hệ thống KBNN, bao gồm tập trung các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu quốc gia… giao cho một đầu mối (phòng/bộ phận kiểm soát chi) thực hiện kiểm soát thanh toán; qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch chi NSNN tại KBNN.

 

Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong hệ thống KBNN theo hướng “một cửa, một giao dịch viên” trong kiểm soát chi NSNN theo Quyết định số 09 ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2277 ngày 02/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đặc biệt, hướng đến một hệ thống KBNN hiện đại, chuyên nghiệp theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138 ngày 21/8/2007. Ngoài ra, cũng tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ thủ hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi; tiến tới kiểm soát chi điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN.

 

P.V: KBNN sẽ thực hiện công tác phối hợp thu NSNN với ngành Thuế, ngành Hải quan và các NHTM như thế nào trong thời gian tới ?

 

Ông Nguyễn Hồng Hà: Năm 2017, KBNN tiếp tục tổ chức công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tập trung nhanh, đầy đủ các nguồn thu vào NSNN và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

 

Cụ thể, KBNN đã chỉ đạo hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng với NHNN trên toàn quốc; triển khai thanh toán song phương điện tử và TCS (Chương trình ứng dụng thu theo dự án Hiện đại hóa thu NSNN của Bộ Tài chính tại KBNN) với ngân hàng TMCP Quân đội (MB); đồng thời, chỉ đạo KBNN các cấp phối hợp chặt chẽ với 05 NHTM Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB) tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại 05 NHTM Nhà nước để tăng cường công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt; mở rộng thu NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS) với các hệ thống Vietinbank, BIDV, Vietcombank và tại các địa bàn có hạ tầng thanh toán tốt, số lượng người dùng thẻ đông, cụ thể: trong năm 2017, số lượng tài khoản chuyên thu triển khai mở rộng là 883 tài khoản, triển khai thu NSNN qua máy POS cho 180 đơn vị KBNN…

 

KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan cung cấp kịp thời báo cáo tình hình thu, chi NSNN và huy động vốn phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là thời điểm cuối năm (cung cấp số liệu 3 lần/ngày); trao đổi thông tin hàng ngày, theo dõi chặt chẽ dự toán và số hoàn thuế GTGT toàn quốc; phối hợp với các đơn vị trong việc triển khai các giải pháp tăng thu NSNN và chống nợ đọng thuế.

 

Nhằm tiếp tục tổ chức tốt công tác phối hợp thu NSNN với ngành Thuế, ngành Hải quan và các NHTM, năm 2018 KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thu (cơ quan thuế, hải quan, cơ quan công an, cơ quan ra quyết định xử phạt,...) để tổ chức thu NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN.

 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các phương thức thu NSNN theo phương thức điện tử; mở rộng việc thu nộp NSNN bằng tiền mặt tại các chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM nhằm tạo thuận lợi cho người nộp NSNN; đồng thời, hạn chế và tiến tới cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN vào năm 2020...

 

P.V: Thành công của năm cũ, dường như cũng là sức ép và cả sự kỳ vọng của KBNN trong năm 2018?

 

 Ông Nguyễn Hồng Hà: KBNN đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện trong năm 2018 như: Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng, triển khai các đề án, chính sách năm 2018; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN và điều tiết cho các cấp ngân sách đúng chế độ quy định; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN; hoàn thành báo cáo quyết toán NSNN 2016 để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời gian quy định; hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn năm 2018…

 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, KBNN đã quán triệt thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN chỉ đạo và động viên cán bộ, công chức nỗ lực cố gắng, tập trung cao độ trí tuệ và tinh thần trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo KBNN trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương để toàn hệ thống hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

 

Đối với các KBNN tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, đồng thời thực hiện điều tiết cho các cấp ngân sách đảm bảo chính xác, đúng quy định. Kiểm soát thanh toán các khoản chi theo đúng quy định; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tránh dồn vào dịp cuối năm.

 

Năm 2018 là năm các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác kiểm soát chi của KBNN được sửa đổi đồng bộ theo Nghị định quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Vì vậy, KBNN các tỉnh, thành phố cần phải bám sát hướng dẫn của KBNN Trung ương, thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản chế độ mới để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, phải tiếp tục chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thu chi ngân sách gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực