Các tổ chức tài chính quốc tế đặt niềm tin vào Việt Nam

Thứ bảy, 17/02/2018 19:57
​(ĐCSVN) – “Việt Nam đang và sẽ là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư quốc tế vì đã xây dựng được niềm tin với bạn bè quốc tế” – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Sòn (SSI), kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN Group.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Sòn (SSI), 
kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN Group. (Ảnh:M.P)

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp

 Phóng viên (PV): Năm 2017, năm bản lề của một nhiệm kỳ Chính phủ mớitheo ông, đâu là sự thay đổi rõ nét nhất?

 Ông Nguyễn Duy Hưng: Kể từ sau Đại hội Đảng XII, một Chính phủ mới được thành lập với thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ đưa ra cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước là quyết tâm xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động”. Tại Diễn đàn Danh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, NĐT, mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ cùng cộng đồng DN chung tay phát triển ngôi nhà chung Việt Nam. Chính cộng đồng DN là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam và họ cũng sẽ là một động lực quan trọng, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển.

Đặc biệt, với thị trường vốn, hiện Chính phủ không tập chung huy động nguồn lực mà chỉ định hướng nguồn lực bằng chính sách, còn DN chủ động huy động và phân bổ nguồn lực. Đây là điểm thay đổi rất mới, một cải cách rất cơ bản trong tư duy quản lý kinh tế.

PV: Vậy nhiêm vụ cụ thể là thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Trước đây, Chính phủ có mặt trong tất cả các công đoạn này. Nghĩa là, Chính phủ vừa là người huy động nguồn lực vừa đóng vai trò phân bổ nguồn lực, dẫn đến tình trạng “xin - cho” và hiệu quả đầu tư của nguồn lực huy động được rất thấp. Như thế là chỉ số rủi ro của Việt Nam khá cao. Đó là những rủi ro tiềm ẩn từ những dự án  “đắp chiếu”, tự nợ xấu ngân hàng, từ nguy cơ đổ vỡ của nhiều DN lớn được nhận phần phân bổ của nhà nước.

Khi các DN chủ động huy động vốn thì DN tự chịu trách nhiệm với hiệu quả của đồng vốn mà DN đã huy động được từ các thành phần kinh tế để giải ngân ở các dự án. Hiện nay các DN làm được điều đó bởi Chính phủ đang tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã gặp rất nhiều khó khăn so nhiệm kỳ trước, tất cả những tồn đọng của thời kỳ trước vẫn còn đó, nợ xấu vẫn còn cao chưa được giải cứu, nợ phải trả rất lớn, đầu tư khu vực nhà nước phải giảm vì không có nhiều nguồn. Vậy nhưng GDP vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng (ước đạt 6,7%), điều đó chứng tỏ sự phát triển lành mạnh của thị trường tốt hơn rất nhiều và đủ để bù lại phần đầu tư công cũ cộng với phần mới để bảo đảm tổng GDP vượt kỳ vọng.

Chúng ta đang bước những bước đi ban đầu, thế nhưng mới có hơn 1 năm thôi cũng đã bắt đầu gặt hái kết quả tốt. Cả Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới đều đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 và 2018. Nghĩa là các tổ chức tài chính quốc tế đang đặt niềm tin vào chúng ta. Mặc dù chỉ thay đổi một câu rất nhỏ, cụm từ rất nhỏ nhưng đã thay đổi hết hoàn toàn về bản chất của phát triển kinh tế đất nước trong thời gian qua!

 Chúng ta đang đi đúng hướng

PV: Thưa ông, với sự thay đổi căn bản như vậy, Chính phủ đã có được sự tin tưởng của cộng đồng DN?

 Ông Nguyễn Duy Hưng: Ngày xưa, chúng ta tăng trưởng bằng đầu cơ tài sản, tức là giá đất lên hàng ngày, chuyển dịch các dự án với nhau cũng phát sinh tăng trưởng GDP… Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến nền kinh tế phát triển không bền vững, nợ xấu trở thành căn bệnh trầm kha, không dịch chuyển được từ đầu cơ tài sản sang sản xuất hàng hóa. Hiện nay, rõ ràng đã có sự dịch chuyển tích cực trong nông nghiệp, trong sản xuất và xuất khẩu…Dù cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vượt trội do các dự án: Samsung, Formosa… nhưng thực tế, tất cả những cái đó đều lạnh mạnh hơn, tốt hơn rất nhiều so việc tăng trưởng từ đầu cơ tài sản.

Thị trường chứng khoán là phép thử nền kinh tế, thị trường chứng khoán chỉ tốt khi nền kinh tế có niềm tin tốt. Với những chỉ số tăng trưởng VN Index năm qua chứng tỏ niềm tin của dự án, người dân và ngay cả các chuyên gia kinh tế vào nền kinh tế, vào những cải cách của Chính phủ đã tăng lên rất nhiều. Điều cần quan tâm tới thị trường kinh tế  nước ta không chỉ là thông qua các gia dịch chứng khoán, mà quan trọng là những thương vụ hàng tỷ USD đã bắt đầu xuất hiện, điển hình như việc thoái vốn ở Sabeco.

Đầu năm 2017, thật sự là DN nghe và ngờ vực! Nhưng đến nay, DN đã tin vào những gì Chính phủ đã làm được và DN đã làm theo. Niềm tin của DN và người dân đang từng ngày lớn lên. Niềm tin không phải xây dựng ngày một ngày hai, niềm tin cần gắn với quá trình kiến tạo và hành động. Từ đầu năm cho đến nay, niềm tin của DN và người dân đối với Chính phủ và nền kinh tế đã cao hơn rất nhiều và vẫn đang trên đà phát triển tốt hơn.

Có thể nói, cách Chính phủ đang hành động giống “nguyên tắc bàn tay vô hình” mà Hồng Kông (Trung Quốc) đã sử dụng và trở nên thịnh vượng. Đó là Chính phủ chỉ giữ vai trò làm trọng tài và định hướng còn để các thành phần kinh tế tự do phát triển.

P.V: Trước thềm năm mới 2018, dự cảm của ông về kinh tế Việt Nam trong năm tới như thế nào, thưa ông?

 Ông Nguyễn Duy Hưng: Nền kinh tế hiện nay của chúng ta đã tốt hơn rất nhiều so năm trước nhưng vẫn còn khó khăn, và chúng ta còn rất nhiều thứ cần phải làm để đưa đất nước đi lên. Những gì đã đạt được trong năm qua là tiền đề ban đầu minh chứng việc chúng ta đang đi đúng hướng. Với bất kì quốc gia nào, Chính phủ giống như một người lái thuyền, còn DN là người trèo con thuyền đó. Nếu không tạo công ăn việc làm, không có nguồn thu đóng thuế sẽ không có ngân sách, và Chính phủ sẽ không hoạt động được. Chính vì vậy, DN luôn luôn là “bộ máy tăng trưởng” cho quốc gia đó và đến nay Chính phủ đã nhìn ra vấn đề này. DN cần có môi trường để phát triển và Chính phủ cần tạo môi trường phát triển lành mạnh và minh bạch nhất cho DN. Sự tương tác giữa DN và Chính phủ cùng nhau phát triển là điều rất quan trọng.

Theo tôi, với những yếu tố nội tại hiện nay, Việt Nam đang và sẽ là điểm đến tin cậy của NĐT quốc tế vì đã xây dựng được niềm tin với bạn bè quốc tế. Các NĐT nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến mảng ngân hàng. Ngành ngân hàng như là máu của cơ thể, bao giờ cũng là tiền đề để nền kinh tế phát triển, nên năm 2018 hứa hẹn nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vượt trội. Tuy nhiên, chu kì khủng hoảng kinh tế thế giới là từ 10 - 12 năm, và năm 2018 lại đúng vào chu kì khủng hoảng đó, “bong bóng” Bitcoin có thể sẽ phá tan chu kì phát triển kinh tế. Song, tôi vẫn cho rằng, năm 2018 sẽ là một năm tốt của nền kinh tế Việt Nam!

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực