Bộ Công Thương: Tiếp tục tập trung chỉ đạo để tiếp tục có những cải cách thực chất và toàn diện

Chủ nhật, 20/08/2017 22:19
(ĐCSVN) - Ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Có thể thấy, việc ban hành Nghị định này đã thể hiện sự kỳ vọng mới của Bộ Công Thương trong việc thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo, hành động vì sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Cải cách thủ tục hành chính góp phần đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu (Ảnh: A.Q)

Thực tiễn cho thấy, trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986), tuy còn nhiều khó khăn, nhưng phát triển công nghiệp và thương mại bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng. Ngành Công Thương đã trở thành kinh tế mũi nhọn, làm động lực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế vượt bậc. Ngành Công Thương đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đưa Việt Nam từ nước nông nghiệp chiếm vị trí chủ yếu 66 năm trước, đến nay, công nghiệp và thương mại đã chiếm hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động.

Cùng với đó đội ngũ doanh nghiệp Công Thương đã phát triển đa dạng, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển ngành. Các doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu đã thực hiện liên kết với mức độ khác nhau để Việt Nam ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thành một mắt xích quan trọng liên kết các doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, trong công tác quản lý, toàn ngành đã được cải thiện, công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện, thực hiện tốt việc tham gia hội nhập ngày càng sâu theo định hướng của Đảng. Từ những bước đi chập chững ban đầu, nước ta đã tiến hành đàm phán thành công hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), góp phần to lớn vào quá trình hội nhập sâu rộng và hiệu quả. Thế và lực của quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Vì sự phát triển của doanh nghiệp

Để không ngừng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Công Thương không ngừng đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế theo hướng Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Các quy định pháp luật được xây dựng tránh can thiệp sâu, không căn cứ vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, trừ trường hợp nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng chính đáng như bảo đảm an toàn, sức khỏe cộng đồng. Từ đó, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong ngành Công Thương là tạo lập hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện quy định, thủ tục hành chính nhằm cải cách thể chế toàn ngành một cách sâu, rộng. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tích cực hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền theo tinh thần này. Nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện khơi dậy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để giải đáp kịp thời các quy định, đồng thời tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tạo rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong quá trình đó, năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực. Ngày 9/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 Bộ sẽ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có. Nhằm tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách quy định, thủ tục hành chính chú trọng ba tiêu chí là: đơn giản, minh bạch và hiện đại để hướng tới ba mục tiêu sau: tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhận xét về việc Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ- CP của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, tháo gỡ khó khăn và mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc ban hành Thông tư 23/2016/TT- BCT thay thế cho Thông tư 37/2015/TT- BCT, Bộ Công Thương đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công mỗi năm cho doanh nghiệp dệt may. Với Quyết định 4846/QĐ- BCT, hàng loạt thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực được bãi bỏ, sửa đổi theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành thép, khí, an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh rượu... Đặc biệt, với quyết định này, Bộ Công Thương đã bãi bỏ thủ tục hành chính “Xác nhận khai báo hóa chất sản xuất” quy định tại Nghị định số 26/2011/NĐ- CP, Thông tư số 40/2011/TT- BCT và Thông tư 06/2015/TT- BCT. Hàng năm, ít nhất 55.000 tờ khai báo hóa chất mà doanh nghiệp phải thực hiện, nhưng với quyết định bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ kiến tạo

Bộ Công Thương đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở hai lĩnh vực chính là công nghiệp và thương mại, bao gồm nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Tuy nhiệm vụ quản lý rộng, khối lượng công việc nhiều nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, Bộ Công Thương cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ việc tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, quản lý điều hành, đào tạo đội ngũ nhân lực... góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển kinh tế đất nước, thích ứng với bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, thương mại quốc tế, thị trường không ngừng ổn định và mở rộng, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo để tiếp tục có những cải cách thực chất và toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ giao (Ảnh: A.Q)

Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; khắc phục tồn tại trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Động thái này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về kinh tế cho doanh nghiệp, người dân mà còn đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện cho sự giám sát của xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác xây dựng Chính phủ kiến tạo, tăng cường tương tác với doanh nghiệp, người dân được đẩy mạnh trong năm 2016. Cùng với những chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong năm 2016 đã triển khai một loạt chương trình hành động liên quan đến cải cách hành chính, tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức cũng như tiếp tục thực hiện những Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính và làm hoàn thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như tiếp cận với thị trường quốc tế. Trong năm 2016, nhiều qui định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính được Bộ Công Thương nghiên cứu, dỡ bỏ, theo tinh thần là thực sự kiến tạo, thực sự hành động, phục vụ, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nhiều chương trình hành động khác cũng như đổi mới trong quản lý nhà nước và hoàn thiện môi trường sản xuất, kinh doanh thực hiện nhiệm vụ Chính phủ kiến tạo sẽ được tiếp tục triển khai trong 2017.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử là quá trình thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện mục tiêu của một Chính phủ kiến tạo hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo để tiếp tục có những cải cách thực chất và toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ giao.

Tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có những ngành, lĩnh vực rất quan trọng như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế... Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, trong những nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương theo hướng thu gọn đầu mối (trước khi hợp nhất, Bộ Công nghiệp có 14 đơn vị hành chính, Bộ Thương mại có 19 đơn vị hành chính), hợp nhất các cơ quan báo chí của Bộ. Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang có 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp, trong đó có 19 Vụ và tương đương, 1 Tổng cục, 10 Cục.

Theo Bộ Công Thương, bộ máy của Bộ giai đoạn trước chủ yếu được sắp xếp theo hướng cơ học, hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp của hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại; cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức các đơn vị tham mưu về các lĩnh vực chuyên ngành. Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, công tác tổ chức cần phải có những bước đột phá, trong đó tập trung vào mục tiêu kiện toàn bộ máy tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Với phương châm thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để thay thế Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương trình Chính phủ. Theo đó, đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành). Bên cạnh đó, việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Bộ Công Thương cũng xác định cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công Thương đang được giao quản lý 11 Viện nghiên cứu, 35 Trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ. Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ cũng xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.

Kỳ vọng mới

Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu ngành Công Thương, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo hành động vì người dân, vì doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 18/8/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP. Theo Nghị định này, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điểm mới của Nghị định là các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị. Theo đó, ngoài Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, các đơn vị hành chính sự nghiệp còn lại áp dụng quy định mới ngay từ ngày 18/8/2017. Tổng cục Năng lượng sẽ được phân chia trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị chức năng khác thành: Vụ Dầu khí và Than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững…

Nghị định 98 cũng quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/ 2016 của Chính phủ quy định 36 chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Để nâng cao chức năng tham mưu, Nghị định cũng quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trình Chính phủ Dự án Luật, Pháp lệnh; dự thảo các nghị quyết của Quốc hội; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ, của Bộ và các nghị quyết, dự án, đề án, chương trình tổng kết theo sự phân công của Chính phủ.

Với chức năng quản lý nhà nước ngành Công Thương, Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; dự án đầu tư theo phân cấp và uỷ quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt. Ban hành các văn bản về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý…

Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương trong cải cách hành chính, tái cơ cấu ngành Công Thương. Đồng thời, những điểm mới của Nghị định được kỳ vọng sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ theo hướng hiệu quả hơn, đưa mục tiêu Chính phủ kiến tạo, hành động vì người dân, vì doanh nghiệp đi vào thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

 GS.TS Đỗ Thế Tùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Việc Bộ Công Thương tinh giản cơ cấu tổ chức là hợp lý. Việc thu gọn này không những giúp các đơn vị của Bộ có chức năng gần giống nhau nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; mà còn thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả. Việc khắc phục bộ máy cồng kềnh cũng góp phần giảm tham nhũng. Việc Bộ Công Thương cũng như nhiều bộ, ngành khác sắp xếp lại bộ máy tổ chức sẽ làm giảm chi thường xuyên, và điều này sẽ góp phần giảm bội chi, hướng đến đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu mô hình tổ chức ở nhiều nước, so sánh với nước ta thì bộ máy quản lý vẫn còn cồng kềnh. Việc Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị, từ 35 xuống còn 30 đơn vị, thì con số 30 vẫn còn khá lớn. Do vậy, trong tương lai, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu để có thể tinh giản cơ cấu tổ chức hơn nữa.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực