Australia hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ tư, 13/12/2017 21:29
(ĐCSVN) – Chiều 13/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã khởi động Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) kéo dài 4 năm (12/2017-12/2021) với kinh phí trị giá 6,5 triệu đô la Úc.

Theo đó, Chương trình nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và đưa Việt Nam tới gần hơn nền kinh tế thị trường. Cụ thể, Aus4Reform sẽ hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế, luật pháp và các thể chế quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam có thể phát huy được tiềm năng của mình. Sáng kiến này cũng sẽ xây dựng mối liên kết giữa Australia và Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuyên môn liên quan. Đáng chú ý, sự hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam đăng ký 1 triệu doanh nghiệp tư nhân chính thức mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực kinh tế tư nhân.

Hội thảo khởi động chương trình diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Aus4Reform tập hợp các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và các cơ quan Chính phủ có trách nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế, bao gồm Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Cục Cạnh tranh và Người tiêu dùng Việt Nam (VCCA), Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Kinh tế Trung ương (CPEC) và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ECNA).

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, cải cách kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu tương đối rõ nét, đặc biệt từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đáng khích lệ cũng còn hạn chế, khó khăn như: môi trường đầu tư kinh doanh còn ở khoảng cách xa so với yêu cầu quốc tế... cần cải thiện theo hướng minh bạch và rút gọn thủ tục hành chính hơn. Việc triển khai dự án hỗ trợ của Chính phủ Australia trong cải cách kinh tế của Việt Nam hứa hẹn nhiều kiến giải tích cực góp phần tăng trưởng vĩ mô và cải cách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Cũng tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick chia sẻ: “Việt Nam có một lịch sử lâu dài trong tiến trình cải cách kinh tế và Australia luôn tự hào được sát cánh với Việt Nam trong suốt thời gian qua. Cải cách kinh tế là một con đường khó khăn nhưng Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần tuy mục tiêu tăng trưởng hàng năm luôn đạt kế hoạch. Do đó, Việt Nam cần thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện trên 3 phương diện, xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường; tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

GS Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh kiến nghị cần rà soát về năng suất, cạnh tranh cũng như các cải cách luật lệ, quy định. Theo GS, cải cách chính sách là công việc dài hạn, cần đáp ứng các thay đổi của kết quả. Tuy nhiên, chính sách cạnh tranh cung cấp một nền tảng rộng lớn cho sự thay đổi cũng như khi tiến hành cải cách phải chú ý quy trình gồm: xác định rõ vấn đề, vai trò của Chính phủ; phân tích độc lập và minh bạch; xây dựng dẫn chứng mạnh về những lợi ích cải cách và xác định hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, năng lực cạnh tranh kinh tế vĩ mô tạo ra tiềm năng để đạt mức năng suất cao nhưng chỉ riêng các yếu tố vĩ mô thì chưa đủ. Trong khi đó, năng suất còn phụ thuộc vào năng lực vi mô của nền kinh tế và mức độ của cạnh tranh trong nước…/.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực