Truyền tải thông điệp phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

Thứ hai, 11/12/2017 15:10
(ĐCSVN) – Tối 8/12, tại Nhà Văn hóa Học sinh - Sinh viên (HSSV) Hà Nội, cuộc thi “Chuyến bay hạnh phúc” đã được diễn ra với sự cổ vũ của hơn 600 sinh viên tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động được tổ chức hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Một tiểu phẩm dự thi (Ảnh: Anh Chi)

Cuộc thi có sự tham gia của sinh viên đến từ 5 trường Đại học tại Hà Nội được kết hợp bởi Trung tâm CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và Vị thành niên) và Nhà Văn hoá HSSV Hà Nội, với sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Đại sứ quán Hà Lan, và Irish Aid. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và Bà Ping Kitnikone, Đại sứ từ Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã đến dự và phát biểu khai mạc.

“Chuyến bay hạnh phúc” là một sân chơi để sinh viên, thanh niên 5 trường Trường Đại học Công Đoàn, Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Xây dựng và Học viện Hành chính Quốc gia có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, được thể hiện sự hiểu biết và đưa ra các giải pháp để phòng chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái. Các đội đã trải qua 3 phần thi và tạo sự bùng nổ cho cuộc thi. Ban giám khảo là các thành viên đến từ Nhà Văn hoá HSSV, UNFPA, CSAGA, nghệ sĩ Tự Long và nhà báo Hà Sơn.

Trao giải cho đội thắng cuộc (Ảnh: Minh Phương)

Tại cuộc thi, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã nhắc lại vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang tồn tại trên toàn cầu. Cứ ba phụ nữ thì có một người là đối tượng bị đàn ông gây bạo lực, mà những người gây bạo lực lại thường là người thân của nạn nhân như bố, chồng, bạn trai, chú, bác, người giám hộ, đồng nghiệp tại nơi làm việc… Bà cho rằng, thanh niên, đặc biệt là sinh viên, là những người có sức trẻ, có nhiệt huyết và sáng tạo là những nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống lại bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Nhiều người trẻ tuổi hiện nay sử dụng rất nhiều hình thức công nghệ truyền thông thức thời để chuyển đổi, nâng cao nhận thức xã hội. Đó cũng là những người có thể thay đổi những định kiến giới và là nhân tố quan trọng để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Cũng tại cuộc thi, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam kỳ vọng, sau cuộc thi, các bạn thanh niên, sinh viên vẫn là những sứ giả truyền thông điệp vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái đến đông đảo công chúng hơn nữa.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội của ĐH Giao thông - Vận tải, giải nhì cho ĐH Xây dựng, giải ba cho đội của Học viện Hành chính Quốc gia. Hai giải khuyến khích thuộc về ĐH Công đoàn và ĐH Thuỷ lợi.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực