Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếp 77% cơ cấu lực lượng lao động

Thứ tư, 13/12/2017 19:09

(ĐCSVN) - Ngày 12/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Ngày hội doanh nhân Việt Nam 2017 với chủ đề  “Giải pháp thương mại điện tử - Để doanh nghiệp thành công hơn”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. 

Tại sự kiện, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, phân tích một số chủ đề: Thách thức, cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và kỷ nguyên số; xây dựng chiến lược kinh doanh kết hợp các giải pháp công nghệ; Biến đổi số hóa và Chiến lược của doanh nghiệp; Giải pháp thanh toán thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam; Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Giải pháp hậu cần kho vận cho thương mại điện tử.

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì khả năng doanh thu sẽ tăng gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%. Một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu, phát triển sản xuất trong thời đại công nghệ hiện nay chính là thương mại điện tử. Đã có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng đã tận dụng được Facebook và thương mại điện tử để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp giảm bớt khâu trung gian và giảm nhiều chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng nhấn mạnh đến sức lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều dịch vụ, tư vấn, ý tưởng, các giải pháp trong cuộc cách mạng công nghệ số để từ đó có được phương án kinh doanh hiệu quả hơn. "Chương trình mang đến thêm những giải pháp, hỗ trợ từ chính các ngân hàng để có kết nối hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn", ông Đỗ Kim Lang chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều tham luận cũng chỉ ra rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu dừng ở khối văn phòng như email, trao đổi văn bản, trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và điều hành sản xuất còn thấp./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực