Cơ hội và thách thức phát triển đối với kinh tế tư nhân

Thứ bảy, 10/02/2018 21:10
(ĐCSVN) - Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) tháng 5 năm 2017 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân và đóng góp 55% GDP của cả nước.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: khoahocphattrien.vn)


Đây không phải là mục tiêu quá lớn so với tốc độ phát triển kinh tế tư nhân bình quân 14 – 15% trong 10 năm qua và cũng không quá lớn so với tỷ trọng đóng góp của Khu vực tư nhân vào GDP của các nước có thu nhập/đầu người trung bình trong khu vực (65%-75%).

Tuy nhiên phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng gặp những khó khăn lớn:

- Ở Việt Nam không có quá trình tích sản lâu đời của tư nhân như ở các nước do trải qua các cuộc cải tạo tư bản tư nhân và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Do đó tiềm lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân rất yếu, vốn tự có thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động. Vì thế chi phí tài chính rất lớn (Thống kê tại 16 nước châu Âu năm 2015 cho thấy cơ cấu tín dụng ngân hàng được phân bổ như sau: Tín dụng cho sản xuất 7%; Tín dụng cho nhà ở và bất động sản 14%; Tín dụng cho phương tiện vận chuyển 31% (trong đó vận chuyển thượng mại 7%; Phương tiện vận chuyển cá nhân 24%); Tín dụng cho tiêu dùng cá nhân 47%). Nếu cộng tín dụng cho phương tiện vận chuyển cá nhân và tiêu dùng cá nhân thành cho vay tiêu dùng thì con số sẽ là 71%. Điều này cho thấy doanh nghiệp thuộc 16 nước Châu Âu vay Ngân hàng rất ít và có lẽ chủ yếu là một phần vốn lưu động. Do đó chi phí tài chính của doanh nghiệp không đáng kể. Ở Việt Nam cho vay doanh nghiệp chiếm trên 70% tổng tín dụng, bao gồm cả tín dụng dài hạn (vốn cố định) và tín dụng ngắn hạn (vốn lưu động). Vì vậy, chi phí tài chính trong sản phẩm rất lớn và do đó lợi nhuận rất thấp, nhất là hầu hết doanh nghiệp đều thuộc chuỗi giá trị thấp nhất trong đường cong “nụ cười” (smile curve).

- Do tài chính tích lũy rất yếu nên hầu như ít có doanh nghiệp có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực. Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ và nhân lực thì chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Cũng do nền tảng tài chính yếu kém mà các hoạt động phụ trợ cho sản xuất kinh doanh như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa đều rất hạn chế. Trong đó truyền thông có vai trò quyết định của kinh doanh hiện đại lại là điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

- Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh và đầu tư, kể cả các rào cản tiếp cận đất đai và các cơ hội kinh doanh. Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và bằng thời gian (cũng là tiền) về các thủ tục hành chính và pháp lý vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài. Loại chi phí này chưa được gỡ bỏ thỏa đáng.

- Các doanh nghiệp Việt Nam còn chịu tác động rất lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng đến từ nước ngoài và trong nước. Với thể trạng tài chính yếu kém, khả năng chống chịu rủi ro thấp thì đây là những thảm họa trực tiếp đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn.

- Cuối cùng là sự “chèn ép” của khu vực doanh nghiệp nhà nước cả về nguồn vốn, tài nguyên, nhân lực và cơ hội phát triển. Hàng chục dự án với tổng đầu tư lên tới chục ngàn tỷ, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ bị thất thoát, không có hiệu quả là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lực tài chính khan hiếm hơn, lãi suất cao hơn cho khu vực tư nhân. DNNN cũng là yếu tố hạn chế cạnh tranh công bằng, hạn chế quyền tiếp cận của doanh nghiệp tư nhân đến nhiều nguồn lực như mua sắm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, khai thác tài nguyên quan trọng, nhân lực cấp cao và nhiều lợi thế cạnh tranh, cũng như cơ hội kinh doanh khác.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRƯỚC MẮT

Kinh tế tư nhân có vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Vai trò của kinh tế tư nhân chỉ có thể thực hiện được trong một nền kinh tế thị trường minh bạch và công bằng. Vì vậy phát triển thể chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó thể chế kinh tế, thể chế chính trị và chất lượng của Chính phủ là yếu tố then chốt.

Việt Nam đã có 30 năm Đổi mới thể chế kinh tế, khung khổ pháp lý của một nền kinh tế thị trường đã được hình thành, đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên chất lượng của thể chế kinh tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và kỷ luật thị trường đáng tin cậy. Những bất cập này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là cải cách thể chế chính trị (hoạch định và thực thi chính sách) không theo kịp cải cách thể chế kinh tế.

Cải cách thể chế chính trị lần đầu tiên đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII), tháng 10/2017 với những bước đi thận trọng như nhất thể hóa bộ máy nhà nước, cải cách khu vực dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước theo hướng minh bạch và hiệu lực. Đây chỉ mới là những bước đi đầu tiên của một chặng đường dài đầy khó khăn, thách thức, nhưng rất cần thiết.

Các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân đã được nêu đầy đủ trong Nghị quyết Trung ương 5 tháng 5/2017 như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ rào cản pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng quản lý nhà nước và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tư nhân…

Tuy nhiên vấn đề cốt lõi nhất như cha ông ta đã nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Phải làm cho kinh tế tư nhân có cơ hội tích tụ được tài sản để phát triển mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy những vấn đề trực tiếp tác động đến quá trình tích tụ tài sản cần phải được ưu tiên rà soát và sửa đổi. Ví dụ chính sách thuế, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí hành chính công (chính thức và phi chính thức), cạnh tranh không công bằng từ độc quyền, gian lận thương mại. Đây là những vấn đề đã có cơ sở pháp lý có thể nhanh chóng tạo ra động lực phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân.

Việc ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng để từng bước giảm lãi suất, giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân cũng đang là vấn đề cấp bách.

Việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lạm phát, nợ xấu, nhưng quan trọng nhất là cầu tín dụng quá lớn trong khi khả năng tích sản rất mong manh, khiến cho cả ngân hàng và doanh nghiệp đối mặt với rủi ro tài chính rất lớn cho dù rất thiện chí với nhau. Để từng bước giải quyết khó khăn này, ngoài việc phát triển thị trường chứng khoán (dài hạn), trước mắt cần giảm thiểu các chi phí khác cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chi phí dịch vụ công đang rất lớn và rất phổ biến hiện nay.

 

Lê Xuân Nghĩa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực