Cơ hội phát triển ngành nhựa, in ấn và đóng gói bao bì

Thứ tư, 24/04/2019 22:07
(ĐCSVN) - Ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì trong nước và xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác thị trường.

Triển lãm Hanoi Plas Print Pack 2019 trở lại với quy mô lớn hơn

Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì

Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế đóng gói bao bì, in ấn và chế biến thực phẩm

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: HNV)

Chiều 24/4, tại Hà Nội, Hội thảo “Ngành công nghiệp nhựa, đóng gói Việt Nam: Cơ hội lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì Hà Nội (Hanoi Plas Print Pack) kéo dài từ ngày 24 đến 27/4/2019.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), từ hơn một thập kỷ qua ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức hai con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 14% - 15%/năm.

Việc Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu (EU)... được hưởng nhiều ưu đãi. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật vẫn ở mức cao, khách hàng ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.

Theo Mordor Intelligence Research, thị trường nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất. Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô…

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm hai con số, được đánh giá là khá hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị hoạt động trong ngành. Nguyên nhân được giới phân tích nhận định là do sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ rất lớn. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao, dẫn đến việc gia tăng các sản phẩm bao bì.

Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại tại Hanoi Plas Print Pack 2019 (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội in Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp in hiện nay ở Việt Nam đã tập trung sản xuất theo thị trường, đầu tư theo lợi thế về công nghệ và đáp ứng thị trường truyền thống, hạn chế đầu tư dàn trải mà tập trung vào đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa các sản phẩm ngoài các ấn bản xuất bản phẩm thì mở rộng sang cả in bao bì. “Ngành công nghiệp in là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng thay đổi của công nghệ. Ảnh hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn tới sự chuyển đổi mạnh mẽ trong kỹ thuật số tiến hành trong công nghệ in. Do đó, các công ty cần chủ động tăng cường khả năng in với các công nghệ mới, đầu tư dây chuyển đồng bộ, thúc đẩy sự đổi mới, cải thiện dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường, kiểm soát rộng và vận hành quy trình in phù hợp, hiệu quả” – TS Nề nói.

Cũng tại Hội thảo, phân tích về xu hướng và động thái mới của kinh tế Việt Nam 2018-2019, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, việc Chính phủ gia tăng cải cách thể chế, tạo động lực mới cũng như tập trung phát triển cho tam giác: Công nghệ thông tin (IT) – Kinh tế số + Du lịch đẳng cấp + Nông nghiệp đặc sản, sạch, công nghệ cao cùng việc tích cực đẩy mạnh chương trình đổi mới – sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia đúng nghĩa là cơ hội cho cả nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nhựa – in ấn – đóng gói nói riêng. Bản thân Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế trong ngành này và chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa, bao bì và in ấn. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất trong nước đòi hỏi chính các doanh nghiệp và các ngành liên quan phải chủ động trong chiến lược phát triển và cạnh tranh của mình.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho hay, tới đây, Việt Nam có thể phải đứng trước áp lực giảm giá thành và giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập, do đó, ngành công nghiệp nhựa – in ấn – đóng gói cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, tăng cường năng lực nghiên cứu, bản lĩnh và phản ứng thị trường; chủ động tái cơ cấu đầu tư, phát triển liên kết cộng đồng và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài; xây dựng và quảng bá, bảo vệ thương hiệu,quyền sở hữu trí tuệ; thu hút nhân tài và nâng cấp quản trị doanh nghiệp, tiếp cận các dịch vụ thông tin và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực