Yên Bái: Hiệu quả cao từ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 01/08/2017 15:59
(ĐCSVN) - Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đang giúp Yên Bái dần hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các mô hình tổ chức sản xuất mới mang lại hiệu quả.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện 133 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Tỉnh đã tập trung nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng. Đồng thời, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, lúa nếp Tú Lệ, gà của đồng bào Mông, quả sơn tra, lúa Chiêm Hương…

Đẩy mạnh ứng dụng công ngệ cao trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng chung hiện nay(Ảnh: P.V)

Hầu hết các đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp đều tập trung hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, đặc biệt về kỹ năng canh tác và năng lực tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã có tác động tốt đến đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua thực hiện các đề tài, dự án, đã giúp đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó, người dân đã từng bước tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã tạo được động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm, hàng hóa đã được nâng lên, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Việc hướng dẫn, xây dựng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh cũng được triển khai song song, hỗ trợ tích cực cho giải pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: xây dựng chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên; nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng; sơn tra Mù Cang Chải; bưởi Đại Minh; nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên, gạo Chiêm Hương Văn Yên, cam Văn Chấn… Từ đó, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Đơn cử như ở thành phố Yên Bái đã quy hoạch diện tích trồng rau an toàn với trên 70 ha từ nhiều năm nay. Riêng tại 3 xã Âu Lâu, Tuy Lộc và Văn Phú, đề án sản xuất rau an toàn với diện tích trên 9 ha đã được triển khai. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, từ giống, phân bón đến việc tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn, năm 2016, các tổ hợp tác với hơn 100 thành viên tại đây đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu rau an toàn. Đề án đã bước đầu tạo ra những sản phẩm rau sạch cung cấp ra thị trường, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, đồng thời giúp cải thiện môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người nông dân, dần tạo tạo đòn bẩy để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Từ thành công của các đề án đã đề cập ở trên, nhiều địa phương của tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng mô hình, từ đó dần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái), việc ứng dụng khoa học công nghệ đang tạo phát triển đột phá, mang tính bước ngoặt đối với nông nghiệp tỉnh. Khoa học công nghệ giúp thay đổi nhận thức của nông dân trong việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới, sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần trực tiếp nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, thiết thực góp sức vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, từ hiệu quả của những đề tài nghiên cứu, mô hình đã triển khai, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ sản xuất; trong đó, sẽ ưu tiên tập trung lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua việc chọn tạo giống cây trồng vật nuôi đạt ưu thế phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương và ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản, công nghệ sản xuất sạch... để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tập trung ưu tiên cho những sản phẩm chính, là thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, xây dựng và tổng kết nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nâng cao giá trị trong sản xuất và góp phần tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Trước mắt, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức các lớp nhằm trang bị cho nông dân trực tiếp sản xuất các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...

Trong đó, chuỗi liên kết vững chắc giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý với các mô hình: hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác… sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để khoa học công nghệ được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

HA.NV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực