Hiệu quả từ chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát độ

Thứ năm, 01/06/2017 16:09
Với việc dần hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tre Bát độ đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với nhiều hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Yên Bái.

Hiệu quả từ chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát độ. Ảnh: TTXVN

Hiệu quả của việc liên kết “4 nhà” gồm: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân và góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cây tre Bát độ được trồng chủ yếu để lấy măng với diện tích lớn tại các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái, phù hợp với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, loại cây trồng này đang thực sự phát huy hiệu quả kinh tế.

Nhằm tạo đầu ra ổn định, tỉnh Yên Bái từng bước triển khai chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến loại sản phẩm này, từng bước gắn kết vùng nguyên liệu sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Là một trong những hộ nông dân đầu tiên tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát độ ở Yên Bái, ông Trần Danh Tuyên, thôn Đông An, xã Kiên Thành (Trấn Yên – Yên Bái) cho biết, chuỗi giá trị sản xuất thực sự mang lại hiệu quả, nhất là đối với những hộ có diện tích trồng lớn.

Địa phương tạo điều kiện, khuyến khích mở rộng, hỗ trợ đối với những diện tích trồng mới. Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật; doanh nghiệp ký hợp đồng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao nên người dân yên tâm sản xuất. Chỉ riêng việc thu hoạch măng tre Bát độ của gia đình, mỗi năm cũng được hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tự chủ động được giống để mở rộng diện tích trồng tre.

Ở xã Kiên Thành, người dân chủ yếu sống dựa vào kinh tế đồi rừng. Hơn 900 hộ dân trong xã đều tham gia trồng tre Bát độ lấy măng và bán sản phẩm cho các doanh nghiệp và hợp tác xã. Để tạo thuận lợi cho người dân khi bán sản phẩm, các doanh nghiệp bố trí các điểm thu mua ngay tại xã, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân thuộc vùng quy hoạch với mức giá ổn định và hợp lý.

Ông Hoàng Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành (Trấn Yên – Yên Bái) cho biết, đến hết năm 2016, toàn xã có 1.500 ha tre Bát độ. Riêng năm 2017 trồng mới được 250 ha. Toàn bộ sản phẩm măng tre Bát độ của nông dân đều được doanh nghiệp thu mua với cam kết, hợp đồng lâu dài, giá cả hợp lý nên không lo lắng đầu ra. Hiệu quả kinh tế rõ rệt khi mỗi ha tre Bát độ một năm mang lại thu nhập cho người dân từ 40-50 triệu đồng.

Trấn Yên là huyện có diện tích trồng tre Bát độ lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Toàn bộ diện tích hiện nay là hơn 2.500 ha; trong đó, riêng năm 2017 huyện này trồng mới được hơn 500 ha. Với sản lượng trên 30 nghìn tấn măng vỏ tươi mỗi năm, giá trị kinh tế mang lại từ loại cây trồng này lên tới hàng chục tỷ đồng đối với người nông dân ở đây.

Theo bà Trần Thị Hoàng Liên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên, việc liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định thúc đẩy việc mở rộng diện tích trồng tre Bát độ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng cao.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cán bộ nông nghiệp của huyện thường xuyên có mặt tại cơ sở, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch măng để mang lại hiệu quả cao nhất.

Chủ trương của tỉnh Yên Bái là từng bước xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa măng tre Bát độ tập trung, tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Từng bước gắn vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và tỉnh cũng đồng thời ban hành các cơ chế nhằm hỗ trợ vốn, kỹ thuật; các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm măng tre Bát độ.

Từ đó, hình thành mô hình chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, tre Bát độ được xác định là một trong 6 loại cây trồng cần tập trung đầu tư phát triển, nâng giá trị và phát huy lợi thế của địa phương.

Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái cho biết, hiện toàn tỉnh Yên Bái có gần 3.000 ha tre Bát độ. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã trồng được hơn 600 ha.

Để phát triển vùng nguyên liệu, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tỉnh Yên Bái có chính sách hỗ trợ cụ thể người dân trồng và tham gia liên kết chuỗi. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này. Hiện có 1 công ty và 1 hợp tác xã tham gia, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đặt ra của đề án phát triển sản phẩm măng tre Bát độ đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái là hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu măng tre Bát độ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô hơn 6.000 ha. Mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước từ 100.000 - 120.000 tấn măng tươi.

Những hộ dân có diện tích trồng tre Bát độ mới từ 0,5 ha trở lên đều được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để mua giống, phân bón, chăm sóc….

Việc dần hình thành chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát độ góp phần xây dựng, phát triển vùng tre Bát độ tập trung, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiện đại. Đồng thời, việc liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong chuỗi giá trị sản xuất dần giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương./.

Đinh Hữu Dư/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực