Hà Giang nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 24/04/2017 16:00
(ĐCSVN) - Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là nỗ lực của chính người dân, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả tích cực.

Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H)
Các chính sách, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, cứu tế, cứu đói,... kết cấu hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường, người nghèo được tiếp cận tốt hơn sự trợ giúp của Nhà nước và các dịch vụ xã hội cơ bản; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 41,8% đầu năm 2011 xuống còn 18,1% cuối năm 2015 (giảm 23,7% tỷ lệ hộ nghèo).

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao; Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang chiếm tỷ lệ 43,65%; trong đó 6 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03%; số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 11,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Đây sẽ là một khó khăn và thách thức cho công tác giảm nghèo của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp các ngành và của nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và thực trạng nghèo của tỉnh Hà Giang, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu: Thực hiện giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin...

Để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, thời gian tới Hà Giang đã xác định cần tập trung cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập của người nghèo. Theo đó, triển khai thực hiện tốt các dự án, hoạt động thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện, nâng cấp, xây mới hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới cơ bản theo tiêu chí nông thôn mới. Tăng cường năng lực quản lý, vận hành cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng; Thực hiện quy tụ dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người nghèo, kết hợp việc thực hiện đồng bộ các dự án, đề án, chương trình, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận chính sách, nguồn lực, thị trường. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi luân chuyển; nhân rộng mô hình Quỹ Phát triển cộng đồng, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, khuyến khích sự chủ động tích cực tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả chính sách giáo dục nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các làng nghề truyền thống, các hợp tác xã, kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu cụm công nghiệp.

Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ, hợp tác xã cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, tổ nhóm hợp tác, nhóm sở thích,... hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị hàng hoá, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; tạo sự chuyển biến nhanh hơn về thu nhập và đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bảo đảm cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo; vận động và hỗ trợ hộ có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT; đưa Bác sỹ về xã, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở; nâng cao chất lượng dân số. Ưu tiên đầu tư đạt chuẩn cơ sở bệnh viện, trạm y tế ở các huyện, xã nghèo.

Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho học sinh; các chương trình, đề án, dự án về giáo dục - đào tạo. Tăng cường công tác phối hợp vận động học sinh tới trường, bảo đảm duy trì sĩ số và nâng cao tỷ lệ huy động học sinh các ngành học, cấp học. Nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi; củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo nghề nghiệp gắn với sử dụng nguồn nhân lực. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; ưu tiên đầu tư đạt chuẩn cơ sở trường, lớp học ở các xã nghèo.

Tổ chức huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, ngày 01/9/2015, của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm diện tích tối thiểu và độ bền vững nhà ở đáp ứng theo tiêu chí Nông thôn mới. Huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây mới, tu sửa, nâng cấp hệ thống cấp và trữ nước sinh hoạt kết hợp phục vụ sản xuất cho dân cư nông thôn, bảo đảm sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước triển khai xây dựng hồ treo tại 04 huyện vùng cao núi đá. Vận động, tuyên truyền và hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh;

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, củng cố và phát triển hệ thống thông tin - truyền thông cơ sở, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật được đưa đến phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống nhân dân; Ưu tiên hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa - thông tin trên địa bàn xã/thôn; Đầu tư các công trình cấp điện sinh hoạt cho nông thôn vùng sâu, vùng xa…

Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo lộ trình hàng năm và cả giai đoạn. Ưu tiên tăng nguồn lực cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Bảo đảm công khai, minh bạch và tập trung vào các vùng khó khăn, vùng nghèo trọng điểm, ưu tiên theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm đủ mức đầu tư, hỗ trợ để phát huy nhanh hiệu quả, không dàn trải; Việc phân bổ phải dựa trên hệ thống tiêu chí cụ thể cho từng loại đối tượng và từng chính sách, đề án một cách tối ưu nhất. 

Trên cơ sở các chính sách, dự án, chương trình đầu tư có liên quan đến giảm nghèo, thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân. Đối với các công trình hạ tầng cấp huyện, xã thực hiện cơ chế tạo việc làm công cho người nghèo và người dân trên địa bàn; công trình hạ tầng cấp thôn, bản thực hiện cơ chế giao cho cộng đồng làm chủ đầu tư, thực hiện quản lý, duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư.

Tiếp tục vận động và kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận hỗ trợ, giúp đỡ huyện, xã nghèo tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đào tạo nghề và nhận lao động nghèo vào làm việc. Tăng cường tiếp xúc và vận động, tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực giảm nghèo, tạo việc làm, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng và các dịch vụ xã hội cơ bản…

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực