Tìm thấy di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên

Thứ ba, 18/09/2018 17:20
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên sau nhiều cuộc khai quật, Việt Nam tìm được di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Đây là phát hiện chấn động, mở ra bước ngoặt mới trong ngành cổ nhân học của Việt Nam.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật sơ bộ, bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, trong đợt khai quật năm 2018 tại hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, các nhà khoa học đã thu được những kết quả rất quan trọng với nhiều di vật được phát hiện như đồ đá, đồ gốm, răng xương động vật. Đặc biệt là tìm thấy di cốt của người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 năm.

PGS.TS. Nguyễn Trung Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BL

Theo PGS.TS. Nguyễn Trung Minh, việc phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên ở hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Hơn thế nữa, đối với giới khoa học, đây là phát hiện gây chấn động, bởi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống con người thời tiền sử ở Đông Nam Á và rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới.

Đây cũng là chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông và đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan thú vị mới.

Theo GS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, 3 di cốt người đã được tìm thấy trong hang động núi lửa gồm 2 di cốt người trưởng thành và một di cốt trẻ em khoảng 4 tuổi, sống ở niên đại cách đây khoảng 7.000 năm. Phát hiện này mở ra một chương mới trong ngành cổ nhân học Việt Nam. “Trước đây, chúng ta tìm kiếm rất nhiều, tìm được nhiều công cụ của người cổ đại tại Tây Nguyên nhưng chưa bao giờ tìm được di cốt của người do môi trường núi lửa. Tôi đã gửi thư cho các bạn của mình ở 5 nước trên thế giới. Họ đều cho biết, đây là phát hiện cực kỳ hiếm gặp, họ chưa từng thấy”, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết.

Đây là kết quả của Đề tài nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông do TS La Thế Phúc thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm.

Thời gian tới, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, địa phương và cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu chi tiết để bổ sung loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên và hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực