Tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Thứ sáu, 22/09/2017 15:50
(ĐCSVN) – Ngày 22/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo giáo dục 2017 bàn về chất lượng Giáo dục phổ thông.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BL

Tham dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ngân hàng Thế giới, các trường đại học, Viện nghiên cứu...

Đề xuất giải pháp về 3 nội dung trọng tâm của GDPT

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Giáo dục và đào tạo luôn giữ vị trí quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì thế, trước sự vận động và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và tri thức nhân loại, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì mới của nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện.

Việc này nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Yêu cầu này đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ cùng nhiều vấn đề liên quan khác như mô hình trường phổ thông, tự chủ; trách nhiệm cơ quan nhà nước với việc đánh giá và kiểm định chất lượng; xã hội hóa; phát triển trường tư thục, vấn đề tài chính cho giáo dục phổ thông (GDPT). Đây chính là các vấn đề đang đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học các nhà quản lý và cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục cùng nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành giáo dục nước nhà.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung phát biểu, đề xuất những giải pháp cụ thể về 3 nội dung tạo nên chất lượng của GDPT. Đó là chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý GDPT.

Cụ thể cần làm rõ các vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình GDPT, các điều kiện bảo đảm như cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai chương trình vào thực tiễn; việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm đào tạo giáo viên phổ thông; yêu cầu về môi trường làm việc, sự phát triển và giải quyết chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…”Đây chính là vấn đề đặt ra, đòi hỏi các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách quốc gia tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp tháo gỡ cho ngành giáo dục nước nhà”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho biết.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu và định hướng các nội dung: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong giai đoạn phát triển công nghiệp, hội nhập quốc tế. Đến nay, giáo dục, đào tạo của Việt Nam đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên nhận thức về thực trạng, các chính sách cụ thể trong giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông vẫn còn phân tán, nhiều ý kiến rất khác nhau.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình mong muốn, từ góc nhìn, vị thế của mỗi đại biểu, với tâm huyết chung vì một nền giáo dục, đào tạo "khỏe mạnh", cần có trao đổi  tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức, có những giải pháp ý nghĩa cho việc quản lý nền giáo dục Việt Nam.

Chất lượng GDPT còn nhiều hạn chế

Thay mặt Bộ GD&ĐT báo cáo về chất lượng GDPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, những năm qua giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể về quy mô chất lượng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đều đã được thực hiện như phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, xóa mù chữ, đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm trẻ ở các vùng miền, dân tộc, nam nữ, trẻ khuyết tật.

Ở cấp Tiểu học, học sinh đã hình thành được nền tảng ban đầu để tiếp tục phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Kết quả học tập của học sinh Trung học Cơ sở ở nhiều môn được xếp thứ hạng cao trong tương quan so sánh với quốc tế. Phần lớn học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động…

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng GDPT hiện nay cũng bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo...

Cho rằng nền GDPT hiện nay vẫn còn hạn chế, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, tuy đội ngũ giáo viên phổ thông được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn cao, nhưng  nhiều giáo viên lại chưa được quan tâm thích đáng trong việc rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm dạy học. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém.

Theo ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, việc thay đổi GDPT mới chỉ dừng ở các quyết định tầm vĩ mô, chưa thấm vào các trường học, cả cán bộ quản lý và giáo viên không dễ dàng từ bỏ cách làm cố hữu. Góp ý cho chương trình GDPT, ông Tạ Quang Sum cho rằng, cần chú ý hơn đến đổi mới phương pháp dạy học chứ không chỉ tập trung đổi mới nội dung dạy học.

Với một góc nhìn khác, PGS.TS Lê Quang Minh – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để đánh giá được chất lượng giáo dục ở cấp độ cấp quốc gia, trong đó có xét đến quan điểm chất lượng và mục tiêu của các bên liên quan, cần phải có những nghiên cứu đầy đủ, dựa vào các khung khái niệm và các công cụ phân tích thường được các tổ chức quốc tế sử dụng.

Nếu không, các kết luận thường chỉ ở mức bề mặt (không đủ chiều sâu) và chỉ phản ảnh một góc nhìn. Trong nhiều trường hợp, các kết luận này dẫn đến “nhiễu” thông tin, hoặc dẫn đến những kết luận rất xa với bản chất của vấn đề.

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập trong công tác giáo dục phổ thông hiện nay. Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực