Thấp tim: Một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mắc phải ở trẻ em và người lớn

Thứ tư, 16/10/2019 14:00
(ĐCSVN)- Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Thấp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mắc phải ở trẻ em và người lớn, thường gặp ở nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Thấp tim là một bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc - miễn dịch, xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, biểu hiện bằng những tổn thương ở tim, khớp và mạch máu. Bệnh cảnh lâm sàng chung của thấp tim là biểu hiện ở nhiều cơ quan, mà trong đó tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong hoặc gây tổn thương trực tiếp tại van tim. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chăm sóc đúng để phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.

Thấp tim thường gặp ở trẻ em, từ 5-15 tuổi. Nếu không điều trị, khoảng 3% số trẻ bị việm họng do nhiễm liên cầu khuẩn beta nhóm A sẽ bị thấp tim. Bệnh thường gặp ở vùng có điện kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội vệ sinh kém, kinh tế còn khó khăn, có khí hậu lạnh ẩm…đây là điều kiện để trẻ dễ bị viêm họng. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố gia đình.”

Biểu hiện lâm sàng bệnh thấp tim thường xảy ra sau 2-4 tuần hoặc lâu hơn nữa kể từ khi người bệnh bị nhiễm liên cầu ở họng. Các biểu hiện này có thể xuất hiện độc lập hay phối hợp với nhau, như: Tại khớp: biểu hiện viêm sưng, nóng, đỏ, đau ở nhiều khớp và viêm các khớp lớn, có tính chất di chuyển, khi khỏi không để lại di chứng; Viêm tim: nghe tim có tiếng thổi, hoặc tiếng cọ màng tim, tim to, mạch nhanh nhỏ; Cục meynet dưới da: rắn, di động, to bằng hạt đỗ đến hạt ngô, thường sờ thấy ở khớp và cột sống. Chúng tồn tại từ 1-2 tuần đến 1-2 tháng, rồi mất đi không để lại dấu vết gì; Hồng ban: dấu hiệu cho thấy có các biến đổi tổ chức dưới da, mất đi nhanh, không để lại di chứng; Múa giật: rối loạn về thần kinh dẫn đến vận động không tự chủ do tổn thương não; Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như viêm cầu thận, viêm phổi, viêm gan cấp, tổn thương mạch máu…

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước lưu ý thêm: Diễn tiến của bệnh thấp tim đa dạng và tiên lượng khó nói trước, cần lưu ý bệnh tái phát. Tái phát thường xảy ra sau 05 năm sau đợt cấp đầu tiên và một bệnh nhân có di chứng van tim hậu thấp có tỉ lệ tái phát gấp 5 lần số bệnh nhân không có di chứng van tim.

Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, người bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, nếu có suy tim phải điều trị suy tim, có các dấu hiệu thần kinh thì điều trị dấu hiệu thần kinh.

Cho đến nay, bệnh thấp tim vẫn là một trong những mặt bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển do điều kiện sinh hoạt còn thấp. Để phòng ngừa bệnh, mỗi người cần giữ ấm, giữ vệ sinh răng miệng hằng ngày, tránh bị viêm họng. Đồng thời, việc phát hiện sớm các tổn thương do thấp tim gây nên và điều trị dự phòng lâu dài bằng kháng sinh sẽ giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh. Đặc biệt đối với những người có biến chứng tim mạch, cần phải được theo dõi hàng năm bằng siêu âm tim, để đáng giá mức độ tổn thương và có kế hoạch can thiệp sớm. Người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.

Song hành với đó, tỷ lệ các bệnh lý tim mạch mắc phải của Việt Nam cũng tăng dần theo tỷ lệ chung của thế giới mà điển hình là bệnh động mạch vành. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cần tầm soát bệnh lý động mạch vành ở người bệnh thấp tim đổ tuổi trung bình trên 50 tuổi.

Vì vậy, nhằm tư vấn người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh thấp tim cũng như các bệnh lý về tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức Chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh động mạch vành cùng các chuyên gia hàng đầu về tim mạch.

Thời gian: ngày 27/10/2019 (Chủ nhật). Địa điểm: Phòng khám số 02, Tầng 2, nhà C4, Khu Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực