Sửa Luật để tạo động lực phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học

Thứ ba, 05/12/2017 19:30
(ĐCSVN) - Chiều 5/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Cùng dự có PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện lãnh đạo các trường thành viên; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo; đại diện các trường đại học và các Cục, Vụ liên quan của Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH).

4 nội dung chính sách lớn tập trung trong Dự thảo (mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tăng cường tự chủ của các trường ĐH), Ban soạn thảo cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tiến hành điều chỉnh, bổ sung tổng cộng 36 Điều trên tổng số 73 Điều của Luật Giáo dục Đại học hiện hành.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, tinh thần chung là tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết: Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cân nhắc, xem xét kỹ để xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung khả thi, đi vào cuộc sống, hiệu quả; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế… Ban soạn thảo tiếp tục đón nhận, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, PGS. Lê Minh Thắng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Dự thảo cần thể hiện và phân định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường với cơ quan quản lý nhà nước và với Hiệu trưởng; đồng thời làm rõ hơn quyền tự chủ của các trường, thể hiện rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Việc phân định trách nhiệm cụ thể giữa Hồi đồng trường và Hiệu trưởng phải đưa vào Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, chứ không chỉ đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của riêng Hội đồng trường.

“Để quản trị tốt một trường đại học tự chủ, chúng ta nên theo cách quản trị của doanh nghiệp, có thể tham khảo rõ hơn và chi tiết trong luật doanh nghiệp. Theo đó, Hội đồng trường còn cần Tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ” - PGS. Lê Minh Thắng nêu quan điểm.

Góp ý về thành phần ngoài trường, PGS. Lê Minh Thắng cho rằng, tỷ lệ 30% trong Dự thảo tuy có tăng lên so với Luật hiện hành nhưng như vậy là còn ít hơn thế giới rất nhiều (nhiều trường trên thế giới là 50%). Điều quan trọng là phải chọn những đại diện của cộng đồng xã hội thực sự tâm huyết và có trách nhiệm với nhà trường. Đó là những lãnh đạo của các doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt là các cựu sinh viên thành đạt của trường. Họ yêu trường và có trách nhiệm với trường, sẵn sàng đóng góp cho hoạt động của nhà trường không vì lợi ích kinh tế, mà đó chính là niềm vinh dự, sự cống hiện cho xã hội, vì nâng cao chất lượng của nhà trường, cũng chính là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tương lai của họ. Không những thế họ còn thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội tìm kiếm các kênh đầu tư cho nhà trường.

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu góp ý trong hội thảo tập trung nhiều vào các vấn đề liên quan đến quy định giảng viên cơ hữu; nghiên cứu khoa học; mở ngành; đào tạo tiến sĩ; phân tầng, xếp hạng đại học; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo; cơ cấu tổ chức bên trong của đại học, trường đại học; quản lý đào tạo; sử dụng tài sản, tài chính của nhà trường./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực