Quyết tâm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học một cách căn cơ

Thứ sáu, 11/08/2017 18:22
(ĐCSVN) - Quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện.

                            Hội nghị Tổng kết năm học các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm. Ảnh: VA

Đó là phát biểu kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm diễn ra ngày 11/8.

 

Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả giáo dục đại học đã đạt được trong năm học 2016-2017. Bộ trưởng cho rằng, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn song các trường đã nỗ lực để có một năm học với nhiều chuyển biến tích cực, trong đó kết quả của kỳ thi “hai trong một”, kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng là điểm nhấn quan trọng của năm học.

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, những hạn chế của giáo dục đại học được nêu ra trong Hội nghị như công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… đều là những vấn đề có thật, đó không phải là những hạn chế hiện giờ mới có mà đã có từ rất lâu nhưng chính sự minh bạch thông tin thời gian qua đã làm cho những hạn chế này trở nên rõ ràng hơn và trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế này.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Muốn cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải bắt đầu từ thể chế. Vì vậy, tới đây, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm kiến tạo, hỗ trợ cho đổi mới giáo dục đại học.

 

Bộ trưởng đề nghị, tới đây cần quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện. Hiện nay, đa phần các trường đào tạo đơn ngành, quy hoạch cần có tính định hướng để các trường liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời hình thành nên ngày càng nhiều trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

 

“Đây là việc khó vì trên thực tế mỗi trường có sứ mạng, vai trò, mục tiêu khác nhau nhưng không thể không làm, các trường phải cùng bắt tay nhau để làm quy hoạch vì lợi ích riêng của mỗi trường và vì sự phát triển chung của giáo dục đại học, phải làm sao để sang năm nhìn lại, quy hoạch giáo dục đại học đã có một bước tiến dài” - Bộ trưởng nêu rõ.

 

Bộ trưởng yêu cầu các vụ, cục chức năng của Bộ cần cụ thể hóa bằng các văn bản để hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cùng tham gia vào quá trình quy hoạch, trong đó lưu ý tới việc đặt ra một ngưỡng thời gian cụ thể để các trường có thể thực hiện được quy hoạch, nhất là các trường ngoài công lập nhưng cũng không thể kéo dài làm chậm quá trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

 

Về tự chủ đại học, Bộ trưởng cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.

 

“Tới đây chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ quản trị đại học, các trường muốn phát triển thì phải đổi mới tư duy quản trị chứ không thể quản lý như thông thường. Bộ đang tiến hành xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn chủ tịch hội đồng trường, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn gọn để hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có thể tự học đáp ứng yêu cầu quản trị” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Nhìn lại kỳ xét tuyển vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh ảo là do thí sinh chưa đủ thông tin, vì vậy đã tới lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh. Tới đây các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về đầu vào. Vì thế, cần tính đến ngành gì thị trường cần, phân khúc nào thích hợp để tư vấn tuyển sinh. Trong đó dành nhiều thời gian tư vấn nghề nghiệp cho các em phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

 

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, vừa qua Bộ đã quan tâm đầu tư phát triển trung tâm hỗ trợ việc làm, dự báo nhu cầu thị trường lao động để giúp các trường có được thông tin tổng thể. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, mỗi trường vẫn phải chủ động nghiên cứu thị trường vì mỗi trường có phân khúc riêng. Từ nghiên cứu các trường sẽ có những điều chỉnh về nội dung, giáo trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp.

 

Về vấn đề đang được quan tâm hiện nay là đầu vào các trường sư phạm, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.

 

“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Nhưng cũng lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế  nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào”.

 

Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.

 

“Chủ trương đã có rồi, đến năm 2020 tất cả các trường sẽ phải tự chủ, từ nay đến đó, Bộ sẽ phối hợp để cùng triển khai, gỡ khó cho các trường. Vướng mắc nào thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ gỡ ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ có ý kiến với các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ. Trách nhiệm của các trường đại học là không ngồi chờ mà phải chủ động để có những bước đi tự chủ hợp lý và bền vững” -  Bộ trưởng nêu rõ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực