Phát huy vai trò của phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Thứ bảy, 21/04/2018 17:43
(ĐCSVN) – Theo ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, tại Việt Nam, phụ nữ chiếm tỉ lệ hơn 40% tổng số các nhà khoa học, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Nhiều kết quả của nhà khoa học nữ được Nhà nước ghi nhận và trao tặng giải thưởng.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BL

Sáng 21/4, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam, Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo tổ chức sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề "Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo".

Sự kiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo Việt Nam.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), tại Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các nữ trí thức là điều không thể phủ nhận. Vượt qua những khó khăn và bận rộn với thiên chức của mình, người phụ nữ vẫn đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tích cực tạo ra các kết quả sáng tạo có ích và mang lại ý nghĩa to lớn cho xã hội và đất nước. Bên cạnh đó còn có những gương đổi mới và sáng tạo không kém phần quan trọng, ấn tượng thuộc nhiều thành phần khác nhau từ những nữ nông dân, công nhân, nữ doanh nhân, nữ nghệ sỹ… Họ cũng đang từng ngày, từng giờ thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong chính bản thân hay chính công việc. Những thành công của họ chính là nguồn cổ vũ động viên gần gũi, bình dị nhưng tuyệt vời nhất đối với chúng ta trong hoạt động đổi mới và sáng tạo.

Số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy, số đơn đăng ký sáng chế do phụ nữ nộp theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế của WIPO đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Điều này đã thể hiện rõ ràng sự chuyển dịch, thay đổi, tăng cường sự đóng góp của phụ nữ trong các ngành sáng tạo.


Sự kiện chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4: "Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo". Ảnh: BL

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Đây là dịp để Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và can đảm của phụ nữ trong lao động sáng tạo nhằm thúc đẩy thay đổi thế giới và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo vệ và nâng cao giá trị tài sản trí tuệ. Tài sản không chỉ hiểu đơn thuần là tài sản hữu hình mà là tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ có giá trị quan trọng trong sự phát triển và hội nhập với thế giới. Những sự thay đổi, đóng góp của phụ nữ diễn ra mạnh mẽ thời gian gần đây. Vì vậy cần tiếp tục thúc đẩy, phát huy vai trò của phụ nữ cho sự phát triển, tôn vinh phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội cho biết, hoạt động đổi mới và sáng tạo đa dạng, có nhiều cấp độ, từ khởi nguồn của ý tưởng mới đến tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Dù ở mức độ, cấp độ nào, đổi mới sáng tạo luôn bắt nguồn từ các ý tưởng, đây cũng là khởi nguồn của các tài sản trí tuệ. Vì vậy, một trong những yếu tố thúc đẩy, quản lý và bảo vệ đổi mới sáng tạo của con người chính là sở hữu trí tuệ. Ngày nay, Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa cuộc cách mạng đổi mới mà phụ nữ là một phần của chìa khóa mở cánh cửa đó. Những đóng góp quan trọng của phụ nữ trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tạo ra những thay đổi tích cực.

Sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo” gồm lễ tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo; tôn vinh các phụ nữ trí thức điển hình trong đổi mới và sáng tạo; nghi thức "Tiếp sức cho những thay đổi" thông qua việc mọi người cùng truyền nguồn năng lượng tích cực của mình cho nhau và sau đó truyền vào "Quả cầu năng lượng" - tượng trưng cho nỗ lực đổi mới sáng tạo của giới nữ. Đặc biệt, sự kiện cộng đồng còn gắn với việc tiếp tục thực hiện việc “Đi bộ vì đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ" - đây là hoạt động truyền thống xuyên suốt từ năm 2015 đến nay, với tiêu đề “Walk A-head for Innovation & IP – Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu”. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động trình diễn hòa tấu âm nhạc, trình diễn rap IP, nhảy cổ động... nhằm truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới và sáng tạo, gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung./.

“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.

Năm 2018, WIPO đưa ra chủ đề của IP Day là: Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động dổi mới và sáng tạo.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực