Nâng chuẩn trình độ giáo viên cần có lộ trình phù hợp

Thứ ba, 21/05/2019 15:56
(ĐCSVN) - Sáng 21/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, tuy nhiên cần phải làm rõ nguồn lực tài chính ở đâu để thực hiện, đồng thời đề nghị phải có lộ trình phù hợp.

Nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Bàn về chính sách nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đằng, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đồng tình việc nâng chuẩn vì cho rằng  giáo viên mầm non thực chất cần phải đáp ứng được những yêu cầu cao chứ không phải là thấp và họ cần phải có những phẩm chất, năng lực rất riêng, phù hợp với mức độ, tính chất của công việc. Hơn nữa, nhiều nước ở trong khu vực chúng ta như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng yêu cầu giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Do đó, vấn đề nâng chuẩn giáo viên mầm non đối với Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội cũng như đảm bảo mặt bằng chung tương đương với khu vực và thế giới.

Tuy vậy, đại biểu Phương Thảo băn khoăn liệu trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn thì các cơ sở mầm non có được tuyển mới giáo viên ở trình độ trung cấp sư phạm nữa hay không? Tại thời điểm năm 2020 dự kiến Luật này có hiệu lực thì con số giáo viên chưa đạt chuẩn lên tới hàng chục nghìn người so với nhu cầu sử dụng.

“Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là trên 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng. Nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ”- đại biểu Phương Thảo bày tỏ.

Thêm nữa, đại biểu Phương Thảo đề nghị làm rõ nguồn lực tài chính ở đâu để thực hiện, dự thảo luật cần bổ sung quy định nguồn gốc tài chính để tránh vướng mắc cho các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở giáo dục khi thực thi chính sách đào tạo này.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) tán thành mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để không làm xáo trộn, ảnh hưởng công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị thời gian áp dụng của quy định trình độ đạt chuẩn của nhà giáo vào năm 2030 để có thêm thời gian cho giáo viên chưa đạt chuẩn đi học.

Cân nhắc kỹ khi triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Cho ý kiến về sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) tán thành mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là cần thiết nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên, đại biểu cho hay, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cử tri băn khoăn về việc sử dụng ổn định sách giáo khoa. Vì có nhiều sách giáo khoa sẽ gây xáo trộn trong việc sử dụng sách.

“Mỗi trường ở cùng địa phương sử dụng sách giáo khoa khác nhau, mỗi năm học nhà trường cũng có thể sử dụng sách khác nhau, học sinh lớp sau không sử dụng được của học sinh lớp trước gây lãng phí cho xã hội. Vấn đề này chưa được giải trình cụ thể”- đại biểu Thu Trang nói.

Đại biểu đề nghị, nên cân nhắc kỹ khi áp dụng giáo dục đại trà quy định mỗi môn học có một và một số sách giáo khoa có nội dung quan trọng tác động sâu rộng, lâu dài tới đời sống xã hội. Để cẩn thận hơn, nên xây dựng phương án trình Quốc hội để tập trung ý kiến thống nhất thông qua dự thảo luật.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng quy định "mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa" dễ gây hiểu nhầm trong đó có sách tham khảo, dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đại biểu đồng tình mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, tuy nhiên đề nghị luật cần ghi rõ  “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và sách tham khảo dựa trên chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Quan tâm đến quy định về các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh việc rèn luyện học tập thì có đỗ, có trượt, có các trường hợp lưu ban vài năm là chuyện bình thường. Do vậy không nên quy định cứng về độ tuổi như trong dự thảo Luật.  

Để hoàn thiện toàn diện dự thảo luật trước khi thông qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về giải thích từ ngữ, thay thế các từ mượn đang được sử dụng trong dự thảo luật bằng các từ thuần Việt để đảm bảo sáng nghĩa, dễ hiểu./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực