Nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ tư, 12/12/2018 21:56
(ĐCSVN)- Nâng cao nhận thức của toàn thể người dân, tiến tới thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu là mục tiêu đặt ra tại Hội nghị sơ kết công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 12/12.
Trao giải thưởng cho các địa phương thực hiện xóa điểm ô nhiễm
môi trường. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2018 có 100% người dân thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường, 100% học sinh các cấp học được giáo dục kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường. Đến nay, theo kết quả khảo sát, trên 90% người dân thành phố đã được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường thông qua nhiều hình thức tuyên truyền và các phong trào hoạt động, 95% học sinh được giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường ngay ở nhà trường cũng như thông qua các hoạt động do sở, ngành và địa phương phát động.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình có kiến thức ứng phó với biến đổi khí hậu, 80% người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày và 100% người dân, các tổ chức, cá nhân bán lẻ được tiếp cận thông tin và giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Để thực hiện đạt các mục tiêu này, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các sự kiện môi trường thường niên như Ngày hội sống xanh, Chiến dịch Vì một thành phố xanh - sạch - đẹp, duy trì các cuộc thi, giải thưởng trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông bảo vệ môi trường và lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt cấp cơ sở; thực hiện các giải pháp hỗ trợ duy trì, nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường trong khu dân cư.

Ông Đỗ Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố trong thời gian qua được sự hưởng ứng và thực hiện tích cực từ các tổ chức tôn giáo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho chức sắc tôn giáo trên địa bàn thành phố; tổ chức tọa đàm giải pháp tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong đám tang, lễ hội.

Chia sẻ về các nhân tố then chốt thay đổi hành vi con người trong lĩnh vực môi trường, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam cho biết: Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cần chú trọng vào vấn đề lợi ích, người dân sẽ thay đổi hành vi nếu biết lợi ích của việc thay đổi, đồng thời có điều kiện thuận lợi để thực hiện, có giải pháp để làm và có ý thức trong hành vi. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý những đối tượng không thực hiện. Đơn cử như việc người dân có thói quen vứt rác bừa bãi ở những nơi đặt biển cấm vì họ thấy thuận tiện và không có nơi chứa rác tập trung. Để thay đổi, cần dọn dẹp sạch sẽ vị trí thường bị xả rác, đồng thời bố trí các thùng rác công cộng ở vị trí thuận tiện cho người dân.

Một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường là tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm. Đối với vấn đề này, bà Đào Thị Thúy Vân, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh cho biết: Quận đã xây dựng Cẩm nang hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và triển khai rộng rãi đến 20 phường trên địa bàn quận. Trong năm 2018, các phường đã ban hành 179 quyết định xử phạt với số tiền trên 46 triệu đồng. Đồng thời, quận Bình Thạnh đã xây dựng hoàn thành phần mềm Bình Thạnh trực tuyến sử dụng trên các thiết bị di động. Người dân sử dụng phần mềm có thể báo cáo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường kèm hình ảnh, vị trí để cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Nhờ phần mềm này, nhiều vi phạm trong lĩnh vực môi trường được xử lý kịp thời, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp./.


PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực