Hà Nội tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục

Thứ hai, 12/08/2019 14:59
(ĐCSVN) - Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng giáo dục ở các cấp học, đặc biệt quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; đồng thời chú trọng việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lê Ngọc Quang trình bày, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT Thủ đô đã hoàn thành tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu của Bộ GD&ĐT. Giáo dục Thủ đô có hơn 1,9 triệu học sinh mầm non và phổ thông, tăng hơn 90.000 em so với cùng kỳ năm học trước, đặt ra nhiều thách thức về việc bảo đảm chỗ học cho học sinh trên địa bàn.

Các đơn vị xuất sắc nhận Cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: VA

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Thủ đô là tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng sự gia tăng về số lượng học sinh và yêu cầu nhiệm vụ. Toàn thành phố đã thành lập mới và xây mới 77 trường học; cải tạo và nâng cấp hơn 400 trường học, trong đó xây mới gần 2.500 phòng học.

Toàn thành phố đã có 66,7% số trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2019 tăng 0,8% so với năm 2018. Trong số 70 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, không chỉ có tên những ngôi trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, mà đã xuất hiện thêm nhiều trường ở các huyện như Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Thạch Thất…

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Hà Nội vẫn giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 134 giải. Tại các kỳ thi cấp quốc tế, các em cũng đã ghi dấu ấn khi giành 197 giải và huy chương, trong đó có 1 học sinh lần đầu tiên đem vinh dự về cho Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối ở phần thi thực hành tại Olympic hóa học quốc tế.

Tuy nhiên, giáo dục Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những thách thức về tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả cao; tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chăm sóc trẻ/ học sinh ở một số đơn vị vẫn xảy ra...

Năm học 2019-2020 là năm ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là năm bản lề để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm học tiếp theo.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố, năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Thủ đô tập trung tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, quyết tâm ngăn chặn bạo lực học đường.

Ngành Giáo dục Thủ đô cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng giáo dục ở các cấp học, đặc biệt quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh cũng sẽ được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp để đảm bảo sự chuyển biến mới nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm học 2019-2020./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực