Góp ý hoàn thiện pháp luật về giáo dục

Thứ sáu, 01/12/2017 22:01
(ĐCSVN)- Ngày 1/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Tư pháp năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VA

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì soạn thảo 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Hiện nay Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng dự thảo của 2 luật trên để đảm bảo tiến độ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự kiến trong tháng 12/2017 và trình Chính phủ tháng 1/2018, trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 và thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 14/11/2017, Bộ GD&ĐT đã gửi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến góp ý của các nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý và ý kiến rộng rãi của xã hội để lắng nghe ý kiến trực tiếp góp ý của các chuyên gia pháp luật của các nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo luật.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Giáo dục cũng đặt ra những yêu cầu cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện bởi 4 lý do sau đây: một là, do yêu cầu thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng của Quốc hội về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; Hai là đảm bảo sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; Ba là khắc phục những bất cập của luật giáo dục hiện hành; Bốn là để đảm bảo đồng bộ và thống nhất pháp luật hiện hành có liên quan.

Nêu một số yêu cầu cơ bản đối với xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, việc hướng tới mục tiêu bảo đảm tính dự báo, tính ổn định của văn bản là một yêu cầu cần được cơ quan soạn thảo quan tâm đúng mức và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính sách về giáo dục và đào tạo cần bảo đảm tính ổn định (tương đối). Với vai trò là một đạo luật chung, điều chỉnh tất cả các vấn đề có liên quan đến giáo dục từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… nên nhiều quy định của Luật Giáo dục mới chỉ dừng lại ở mức quy định khung, mang tính nguyên tắc. Việc chỉ quy định mang tính nguyên tắc sẽ giúp cho dự án Luật có tính ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, TS Trần Văn Đạt lưu ý, nếu quy định khung pháp lý quá rộng hoặc quy định mang tính chung chung sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng, có thể dẫn đến tình trạng Luật được ban hành nhưng phải đợi các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thêm nữa, trong quá trình xây dựng Luật cần phải bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; đồng thời, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngoài ra, tại Hội nghị, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau xin ý kiến Chính phủ. Đó là vấn chính sách đối với nhà giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).

Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở…phải có trình độ từ đại học trở lên...”). Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Về vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học học phí, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh trung học cơ sở trường công lập./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực