Đẩy mạnh kiểm soát đặc biệt cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Thứ năm, 21/02/2019 15:23
(ĐCSVN) – Thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhằm xử lý dứt điểm vấn đề này, năm 2019, Đề án kiểm soát đặc biệt các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

Ô nhiễm bủa vây các dòng sông. (Ảnh: Bích Liên)

Kiểm soát được cơ sở có nguy cơ ô nhiễm

Nói về Đề án kiểm soát đặc biệt các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2018, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt các dự án, cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), một phương thức và tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường đã được hình thành, trọng tâm là chuyển đổi từ bị động giải quyết sang chủ động kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao từ ô nhiễm môi trường được kiểm soát chặt chẽ, đầu tư các công trình hạng mục công trình xử lý, giám sát đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đến nay nhiều dự án lớn, trong đó có FHS, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi); Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, sau khi vận hành cả 2 lò cao, FHS dự kiến đóng góp 1,27% GDP Việt Nam trong năm 2018; dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn sau 6 tháng đi vào hoạt động dự kiến đóng góp cho ngân sách trên 8.000 tỷ đồng… Phương thức và tư duy quản lý mới này đã tiếp tục được cụ thể và thể chế hoá trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường tiền kiểm đi đôi hậu kiểm đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ TN&MT, các địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, từng bước tiệm cận hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở TN&MT không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, qua đó chặn đà suy giảm môi trường.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường lên 228 cơ sở, đạt 88%, trong đó có 121 khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 233/366 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 12%, tăng khoảng 5% so với giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ chất thải rắn đạt 85,5%; có 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được Bộ cấp phép với công suất xử lý khoảng 1.500 nghìn tấn/năm; xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; xác định danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong năm 2018, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt như Hà Nội, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Thành lập các Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, mặc dù chúng ta đã bước đầu chặn được đà suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số bộ phận cấp uỷ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao. chưa phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị; chưa tạo được sự tham gia vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.

“Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý về tài nguyên và môi trường ngày càng lớn trong khi nhiều vấn đề có tính liên ngành, liên vùng cần được giải quyết song tổ chức bộ máy chưa có sự thích nghi; nguồn lực bao gồm: tài chính, nhân lực, vật lực công nghệ, nhất là cho công tác điều tra cơ bản còn hạn chế”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2019, Bộ sẽ thực hiện triển khai xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất và vị trí thực hiện dự án trong mối liên quan với các vấn đề môi trường phát sinh của dự án và mức độ nhạy cảm của môi trường nơi thực hiện dự án trong quá trình xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư; kiên quyết từ chối những dự án sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

Xem xét kỹ lưỡng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, quản lý và giám sát môi trường của dự án, áp dụng các biện pháp, cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn thải của dự án trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giám sát chặt chẽ quá trình vận hành thử nghiệm và thực hiện kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án đối với các dự án thuộc danh mục tăng cường kiểm soát.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ; tiếp tục rà soát, thành lập các Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. “Rà soát, đề xuất hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật về môi trường, áp dụng các tiêu chí môi trường sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư, nhất là trong thu hút đầu tư vào các khu vực nhạy cảm về môi trường; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường”, Bộ trưởng cho hay./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực