Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thời công nghiệp 4.0

Thứ sáu, 12/10/2018 15:37
(ĐCSVN) – Hội thảo quốc tế “VietTESOL International Convention 2018” với chủ đề “Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là cơ hội tăng cường khả năng tiếng Anh và việc học tập suốt đời.

Hội thảo quốc tế VietTESOL do Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh
phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức. Ảnh: VA

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “VietTESOL International Convention 2018”, chủ đề “Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Hội thảo Quốc tế năm nay với sự tham gia của hơn 400 chuyên gia, diễn giả, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong nước và nước ngoài, là diễn đàn chuyên môn năng động, kết nối dành cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và phát triển ý tưởng nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh.

Đồng thời đây là cơ hội để các giáo viên, giảng viên tăng cường trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi học thuật giữa các cá nhân trong chuyên ngành. Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng tiếng Anh và việc học tập suốt đời của các nhà chuyên môn và người học; thúc đẩy hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sử dụng tiếng Anh trong và ngoài Việt Nam; hướng đến việc tìm ra giải pháp phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo,kiểm tra, đánh giá,góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học tiếng Anh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Phân tích thực trạng việc phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và kiểm tra đánh giá; mô hình quản lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Bùi Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, với 120 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm qua, Trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao năng lực Tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội, do đó đã triển khai áp dụng đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên giai đoạn 2015-2018, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO; ứng dụng phương pháp học kết hợp (blended leaming), theo định hướng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng sinh viên. Đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, giảng viên và sinh viên, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đào tạo, năng lực Tiếng Anh của sinh viên được nâng cao; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng Tiếng Anh của sinh viên.

Hội thảo quốc tế VietTESOL diễn ra trong 2 ngày12 - 13/10/2018./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực