Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn: Nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững

Thứ sáu, 20/10/2017 15:38
(ĐCSVN) - Chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” diễn ra từ ngày 16 - 23/10/2017 với chủ đề “Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn: Nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững” do Bộ Y tế phát động nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020, hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (16/10).
Ảnh minh họa. (Ảnh: TL)

Theo đó, hoạt động truyền thông nhân Tuần lễ này tập trung vào hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển sản xuất vườn ao chuồng (VAC) gia đình tạo ra nguồn thực phẩm an toàn giúp cải thiện chất lượng bữa ăn, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ gia đình. Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân về: Chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, bảo đảm bữa ăn cân đối, đầy đủ theo nhu cầu của từng lứa tuổi; biết cách lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình và địa phương. Qua đó, các gia đình sẽ biết cách tổ chức bữa ăn cân đối, hợp lý với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không ăn mặn và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống các bệnh mạn tính không lây (như thừa cân béo phì), phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam…

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, An ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và suy dinh dưỡng là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giai đoạn (2010-2012) có 852 triệu người tại các nước đang phát triển (chiếm 15% tổng dân số thế giới) vẫn bị thiếu ăn; trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.

Số liệu thống kê của các cơ quan Liên hợp quốc cũng cho thấy: Năm 2016, trên toàn cầu có khoảng 159 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thiếu chiều cao; 50 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thiếu cân. Trẻ em suy dinh dưỡng phần lớn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó châu Á và châu Phi là hai châu lục có số trẻ em bị suy dinh dưỡng nhiều nhất. Thiếu vi chất dinh dưỡng cũng tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu. Ước tính năm 2016 có khoảng 2 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như: Vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm…

Hiện nay, sản xuất lương thực, thực phẩm ở nước ta phát triển nhanh, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 phấn đấu đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, nhiều vùng ở nước ta, vấn đề an ninh lương thực quy mô hộ gia đình còn chưa được bảo đảm, nhất là ở các khu vực thường xuyên chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, bất cập trong các khâu sản xuất, dự trữ và phân phối lưu thông lương thực, thực phẩm trong toàn quốc.

Theo đó, an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề thiếu ăn và góp phần vào việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta. An ninh lương thực không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khẩu phần ăn của trẻ, làm giảm sút chất lượng các dịch vụ chăm sóc về dinh dưỡng, y tế. Do ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, sản lượng lương thực thế giới giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu thốn lương thực và cả sự chăm sóc của bố mẹ, thiếu nước sạch để sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Từ đó, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng tăng lên, tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực