Học phí tăng, chất lượng có tăng?

Thứ tư, 14/06/2017 19:41
(ĐCSVN) – Ngày 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về “Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 - 2018”.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Theo tờ trình HĐND Thành phố Hà Nội, trong năm học 2016 – 2017, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thực hiện thu học phí theo quy định với tổng thu 475,130 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng số chi. Trong đó, kinh phí Nhà nước cấp khoảng 8.521,625 tỷ đồng. Nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Cũng theo tờ trình, mức thu học phí sẽ được điều chỉnh tăng trong năm học 2017 – 2018. Cụ thể, khu vực thành thị tăng 30.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Khu vực nông thôn tăng 15.000 đồng/tháng (tăng 35,5%). Khu vực miền núi tăng 4.000 đồng/tháng (tăng 40%).

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cho rằng, việc quy định mức thu học phí mới là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố, phù hợp mặt bằng thu nhập chung của người dân và mức học phí nằm trung khung quy định của Chính phủ. Đầu tư cho giáo dục là vấn đề cần được ưu tiên vì nó liên quan đến phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vấn đề học phí tăng, chất lượng có tăng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đóng học phí là thể hiện trách nhiệm của người dân với sự nghiệp giáo dục. Học phí thấp chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân với sự nghiệp giáo dục. Trên thực tế, người dân mong muốn con em mình phải được hưởng một nền giáo dục chất lượng, tương xứng với sự đầu tư. Hiện nay, học phí thấp nhưng phụ huynh phải đóng thêm một loạt các khoản phụ phí khác không hề thấp.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, về lý thuyết, tăng học phí không có nghĩa là chất lượng dạy và học tăng lên. Việc tăng học phí sẽ hỗ trợ cùng ngân sách Nhà nước nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Việc 60% mức học phí dành để hỗ trợ việc dạy và học, 40% dùng để cải cách chế độ tiền lương của giáo viên là không hợp lý. Tỷ lệ này cần được nghiên cứu lại để tiến hành phân bổ trong năm học 2017 – 2018 cho hợp lý hơn, trong đó cần ưu tiên chi thực hiện cải cách tiền lương.

Các đại biểu lưu ý, người dân sẵn sàng đóng góp với Nhà nước để cùng lo cho con em mình, để con em mình trở thành những con người hữu ích. Nhưng tăng học phí cũng không nên áp đặt, không được lạm thu. Trên thực tế, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo PGS. TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, đối với giáo dục tiểu học, thời điểm này, con trẻ đã bắt đầu nhận thức về cuộc sống, dần hình thành tính cách. Hằng ngày, các cô giáo mầm non không những phải chăm, nuôi mà còn phải dạy các cháu rất nhiều điều. Thực tế, các cô phải “quay cuồng” với quá nhiều công việc nhưng đồng lương được nhận hàng tháng lại không thỏa đáng.   

Vấn đề điều kiện cơ sở vật chất trường học cũng được nhiều đại biểu quan tâm. GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn, chúng ta sắp triển khai chương trình đổi mới sách giáo khoa mới song điều kiện cơ sở, vật chất trường học còn quá eo hẹp. Đơn cử tại quận Thanh Xuân, trung bình mỗi lớp học có khoảng 50 học sinh nhưng sân chơi lại rất nhỏ bé. Vừa rồi, quận có 42 cơ sở sản xuất di chuyển đi nơi khác nhưng diện tích đó lại không được dùng để xây dựng, mở rộng trường học hay các hoạt động an sinh xã hội mà để xây dựng chung cư…

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Uỷ MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học. Những ý kiến đóng góp đó sẽ được MTTQ thành phố Hà Nội tổng hợp để trình lên HĐND thành phố kỳ họp tới.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực