Nhân lên những yêu thương từ CLB Gia đình hạnh phúc của người Mông ở Săn Cài

Thứ bảy, 11/08/2018 11:21
(ĐCSVN) – Không chỉ là cầu nối giữa tổ chức Hội với các gia đình, CLB Gia đình hạnh phúc còn là sân chơi bổ ích, giúp các gia đình người Mông ở bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) nhân lên những yêu thương.

 

Những tiết mục văn nghệ của các thành viên CLB biểu diễn - ảnh: HM

Vượt qua chặng đường hơn 200 cây số từ Hà Nội, chúng tôi đến với bản Săn Cài của xã Lóng Luông. Đây là bản với 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ấn tượng của tôi khi đến Săn Cài không chỉ bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên, đó còn là sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây.

Được thiên nhiên ưu đãi, lại nằm dọc quốc lộ 6 nên ngoài làm nương rẫy người dân ở Săn Cài còn tham gia buôn bán các mặt hàng nông sản, thổ cẩm, phát triển dịch vụ, du lịch nâng cao đời sống. Tuy nhiên với đặc thù 100% là đồng bào người dân tộc Mông, nhiều tập tục lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tâm lý trọng nam, kinh nữ…vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Lóng Luông đã có nhiều hình thức tuyên truyền để bà con hiểu, dần từ bỏ những hủ tục lạc hậu, CLB Gia đình hạnh phúc ra đời năm 2016 cũng vì lý do đó.

Những tiết mục văn nghệ mang đậm chất văn hóa của đồng bào dân tộc Mông do chính các thành viên của CLB Gia đình hạnh phúc bản Săn Cài biểu diễn khiến chúng tôi không thể rời mắt. Chị Giàng Thị Ganh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lóng Luông chia sẻ: Với 754 hội viên, CLB Gia đình hạnh phúc được thành lập từ năm 2016. CLB được thành lập vì Lóng Luông vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, nhất là vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Hội Phụ nữ xã muốn tuyên truyền tác tại của những vấn đề này đến đồng bào nhằm xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

 


Thành viên CLB chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế tại một buổi sinh hoạt. Ảnh: HM

Chị Ganh cho biết: Nói thì dễ nhưng để vận động được các gia đình tham gia vào CLB là cả một quá trình. Nhiều trường hợp, Ban Chủ nhiệm CLB vận động được người vợ tham gia nhưng người chồng lại không tham gia, vì thế việc làm thế nào để các gia đình đến đông đủ trong các buổi sinh hoạt CLB luôn là điều trăn trở của Ban Chủ nhiệm và Hội Phụ nữ xã.

Bên cạnh việc đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền, Hội Phụ nữ xã cùng với Ban Chủ nhiệm CLB đã tổ chức rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; tổ chức Lễ ra mắt CLB bóng đá nam và Đội văn nghệ nhân dịp Lễ tình nhân 14/2… Định kỳ hàng năm CLB đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan, dã ngoại tại Đảo Ngọt Xanh ở Phú Thọ, tham quan Thủy điện Hòa Bình… Chính những chuyến đi này đã giúp các thành viên có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu về các địa danh của đất nước. Việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền về cách xây dựng gia đình hạnh phúc; về Luật hôn nhân gia đình; phòng chống bạo lực gia đình… trong các chuyến đi giúp các thành viên của CLB gắn kết với nhau hơn. Nhờ vậy số thành viên tham gia CLB tăng dần, từ 34 lên đến 43 thành viên.

Quan trọng hơn cả, đến nay nhiều hủ tục lạc hậu đã được chính người dân thay đổi, rõ nhất là tư tưởng trọng nam, khinh nữ gần như không còn, người dân hiểu rằng con trai, con gái đều cần được chăm sóc và đi học, tỷ lệ trẻ em bỏ học giữa chừng không còn tồn tại ở Lóng Luông. Năm 2017, xã Lóng Luông đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho 70 học viên nữ của 2 bản Săn Cài và Cao Lóng. Nhờ vậy không chỉ người phụ nữ Mông mà các thành viên khác trong gia đình người Mông đến nay đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức.

Là một trong những gia đình tham gia CLB ngay từ những ngày đầu tiên, chị Giàng Thị Lan và anh Tếnh A Sếnh đều có chung một cảm xúc đó là hạnh phúc. Anh Sếnh chia sẻ: Anh chị lấy nhau hơn chục năm nhưng không thể có con. Buồn chuyện gia đình anh thường xuyên uống rượu rồi nặng lời với vợ. Khi tham gia vào CLB, anh chị chưa từng vắng mặt trong bất kỳ buổi sinh hoạt nào,  bởi nội dung của các buổi sinh hoạt đều rất đa dạng, phong phú. “Mỗi buổi sinh hoạt CLB lấy một chủ đề để tuyên truyền cho các thành viên, các gia đình có thể trao đổi, chia sẻ trực tiếp về cách làm kinh tế, về cách chăm sóc con cái… tôi đã hiểu hơn về hoàn cảnh của các gia đình khác và tôi đã mạnh dạn chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình, từ đó tôi yêu và chia sẻ với vợ nhiều hơn”. Anh Sếnh cho biết.

Hạnh phúc đã đến với anh Sếnh, chị Lan khi anh chị đón thành viên mới của gia đình, đó là một bé gái bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện gần nhà. Đón con về anh chị đặt tên con là Tếnh Thị Thiện Nhân, với mong ước khi con khôn lớn sẽ làm người tốt, làm nhiều việc thiện.

 


Cán bộ của TW Hội Phụ nữ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Phụ nữ, lãnh đạo huyện Vân Hồ, xã Lóng Luông chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên CLB Gia đình hạnh phúc bản Săn Cài - ảnh: HM

Khác với chị Lan, chị Giàng Thị Dua lấy chồng khi tròn 19, hiện chị có 2 người con. Ngày chưa tham gia CLB chị chỉ biết rằng người phụ nữ phải thức khuya, dậy sớm làm nhiều việc trong gia đình. Đến tuổi bố mẹ bảo nghỉ học để lấy chồng, sinh con, đẻ cái, cuộc đời chị cứ như vậy, không bao giờ bước chân ra khỏi bản. Những việc lớn trong gia đình đều do chồng quyết định, chị không có tiếng nói gì. Thế nhưng, từ ngày trở thành thành viên của CLB Gia đình hạnh phúc, chị Dua đã biết thế nào là tảo hôn, thế nào là hôn nhân cận huyết, tác hại của những việc đó. Bản thân chị từ ngày trở thành thành viên Đội văn nghệ của CLB, không chỉ tham gia biểu diễn mỗi khi CLB tổ chức giao lưu với các bản, các xã lân cận, nhờ đó chị có thêm nhiều bạn hơn. Các chuyến đi tham quan ở những tỉnh thành khác chị đều động viên anh cùng đi, chị nhận ra rằng, cuộc sống của người phụ nữ sẽ hạnh phúc hơn khi được đi đây đi đó, mở mang hiểu biết. “Tôi luôn suy nghĩ sẽ động viên các con học tập, nhất là với con gái thì tôi không ép các con phải lấy chồng sớm”. Chị Dua chia sẻ.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, CLB Gia đình hạnh phúc bản Săn Cài không chỉ trở thành cầu nối giữa tổ chức Hội với các gia đình, CLB còn là sân chơi bổ ích, là nơi chia sẻ kinh nghiệm giữa các gia đình với nhau. Những buổi sinh hoạt chuyên đề như: vai trò của gia đình đối với việc quản lý, giáo dục con cái; cách ứng xử giữa mẹ chồng - nàng dâu... phòng, chống bạo lực và tệ nạn xã hội tại gia đình; kinh nghiệm phát triển kinh tế tăng thu nhập… luôn thu hút rất đông các thành viên tham gia.

Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động, tạo ra sự biến đổi và phát triển theo hướng tích cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Săn Cài, thiết nghĩ, việc duy trì, phát triển và nhân rộng CLB Gia đình hạnh phúc càng trở nên vô cùng có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực