Thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới

Thứ bảy, 17/02/2018 10:08
Năm 2018, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng; tuyên truyền rộng rãi về quan hệ hữu nghị và cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Với các đối tác chiến lược, xác định những nội dung cụ thể về công tác đối ngoại nhân dân trên tất cả các lĩnh vực như: hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác về văn hóa, khoa học công nghệ, kin

 

Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong 


Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại, góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018,  Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong đã trả lời phỏng vấn  phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân năm 2017 và phương hướng hoạt động thời gian tới. 

*Phóng viên: 2017 là một năm chứng kiến những hoạt động đối ngoại sôi động, thành công, ghi đậm nhiều dấu ấn của Việt Nam, với điểm nhấn là việc triển khai sâu rộng Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Công tác đối ngoại nhân dân do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai trong năm 2017 đã có những đóng góp cụ thể nào cho những tiến trình này, thưa ông? 

*Ông Đôn Tuấn Phong: Nghị quyết số 06-NQ/TW về việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành. Nghị quyết nêu rõ, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; đóng góp quan trọng vào việc mở rộng, đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. 

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, khả năng bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình. Quán triệt nghiêm túc Nghị quyết, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thông qua các hoạt động, hiện thực hóa các nội dung Nghị quyết bằng việc tiếp tục hình thành các mạng lưới đối tác quốc tế, vận động được bạn bè trên khắp thế giới ủng hộ công cuộc đổi mới, mở cửa, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thực thi chính sách đổi mới, mở cửa với phương châm: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế”, đối ngoại nhân dân đã mở rộng một cách tích cực để xây dựng lực lượng, đội ngũ, mạng lưới cả trong nước và trên thế giới. 

Năm 2017, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, quan hệ với các đối tác bên ngoài tiếp tục được đa dạng hóa, đa phương hóa. Quan hệ với bạn bè cũ đã ủng hộ nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến được duy trì và tăng cường; quan hệ với bạn bè mới được xây dựng và mở rộng. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã hướng tập trung vào các nước láng giềng và ở khu vực Đông Nam Á, các nước quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện. Các nước có quan hệ truyền thống, kết hợp thúc đẩy về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác, cần thiết cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại mang ý nghĩa quan trọng như: Giao lưu hữu nghị Việt Nam - Cuba chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội chính quyền nhân dân Cuba; Lễ khánh thành Cung Hữu nghị Việt -Trung với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo cấp cao hai nước.Liên hiệp phối hợp với Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chuỗi các sự kiện kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga; Diễn đàn nhân dân Việt  - Trung; các hoạt động trong Năm Đoàn kết Việt- Lào; các hoạt động trong Năm Việt Nam- Campuchia; các hoạt động kỷ niệm 50 năm ASEAN... 

Trong công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác phi chính phủ nước ngoài. Công tác vận động viện trợ tiếp tục được triển khai tích cực, toàn diện ở Trung ương và các địa phương. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục tham gia vào cơ chế Ban Chỉ đạo nhân quyền; xây dựng nội dung nhiều báo cáo cung cấp thông tin, tham luận, đóng góp ý kiến, đánh giá … gửi các bộ, ban, ngành. 

Đặc biệt, trong năm 2017, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có thêm 4 tổ chức thành viên mới ở địa phương bao gồm Bình Phước, Tây Ninh, Hòa Bình và Sơn La, nâng tổng số thành viên của Liên hiệp lên 52/63 tỉnh, thành trên cả nước có Liên hiệp hữu nghị, góp phần thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương. 

*Phóng viên: Năm 2017, công tác vận động phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục có những thay đổi tích cực. Ông đánh giá thế nào về những đổi mới trong công tác này và kết quả tích cực từ những đổi mới ấy? 

*Ông Đôn Tuấn Phong: Năm 2017 đã có trên 2.000 chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với giá trị cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 280 triệu USD. Hầu hết các chương trình, dự án đều thuộc các lĩnh vực giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu… 

Công tác vận động viện trợ thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn, song các cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động đổi mới phương thức, đa dạng hóa nguồn viện trợ, tích cực giới thiệu, vận động các tổ chức tài trợ cho vấn đề phát triển kinh tế - an sinh – xã hội. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục vận động thúc đẩy quan hệ đối ngoại nhân dân thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Vì thế, hơn 30 tổ chức mới đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017. 

Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã kết thúc giai đoạn 5 năm (2013- 2017). Nhìn chung, các mục tiêu cơ bản của Chương trình đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai ở hầu khắp các địa phương, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như: y tế, giáo dục, nông nghiệp - nông thôn, các vấn đề xã hội, hậu quả chiến tranh, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự thành công của Chương trình Quốc gia nhờ vào một phần rất lớn sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam. Tôi cho rằng, giai đoạn mới của Chương trình có thể có thể kéo dài tới năm 2025 như ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương. 

Để năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của công tác vận động phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài quyết tâm tập trung vào 4 nhiệm vụ cơ bản. Thứ nhất, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phi chính phủ nước ngoài, trong đó tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hoạt động, giám sát việc quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đảm bảo hiệu quả viện trợ. Thứ hai, tổ chức tổng kết 20 năm hoạt động của Ủy ban Công tác phi chính phủ nước ngoài nhằm đánh giá, đề xuất các biện pháp củng cố cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Thứ ba, nghiên cứu, tham mưu xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp quy theo định hướng rõ ràng, nhất quán đối với công tác phi chính phủ nước ngoài. Thứ tư, hoàn thiện dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn tiếp theo trình Thủ tướng phê duyệt. 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình giảm nghèo và phát triển. Mặc dù đạt được nhiều tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: khoảng cách giàu nghèo, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự nỗ lực rất lớn của chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời cần sự đồng hành, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

*Phóng viên: Trong năm 2018, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào để tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc? 

*Ông Đôn Tuấn Phong: Tiếp đà của những năm trước, năm 2018, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân sâu rộng thông qua mạng lưới các tổ chức trong nước và với bạn bè khắp năm châu. 

Theo đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng; tuyên truyền rộng rãi về quan hệ hữu nghị và cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về cộng đồng ASEAN trong quần chúng nhân dân. Với các đối tác chiến lược, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xác định những nội dung cụ thể về công tác đối ngoại nhân dân trên tất cả các lĩnh vực như: hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác về văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, thương mại, du lịch… tuyên truyền về đất nước, con người, chính sách phát triển của Việt Nam tới bạn bè trên thế giới. 

Đặc biệt, năm 2018, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 28 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Đây là một văn bản quan trọng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng và công tác đối ngoại nhân dân nói chung, góp phần đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Song song với đó, năm 2018, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 -2023 nhằm đánh giá công tác trong 5 năm qua, đề ra định hướng công tác cho 5 năm tới và những năm tiếp theo. 

Về lâu dài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục là cầu nối gắn kết thế hệ trẻ với công tác đối ngoại nhân dân, thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới. Cùng với đó, tăng cường đa dạng hóa quan hệ đối tác; không chỉ hợp tác với các tổ chức truyền thống mà còn mở rộng ra những đối tượng khác như các doanh nghiệp vào Việt Nam, khách du lịch tới Việt Nam, nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả…Tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của đất nước chúng ta, yêu quý truyền thống, văn hóa của Việt Nam đều cần được hết sức quan tâm và tạo điều kiện để họ có thể hiểu được Việt Nam nhiều hơn trong tình hình mới. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải tận dụng công nghệ mới, thông tin cập nhật đến bạn bè tình hình phát triển, những thách thức của đất nước. Tôi nghĩ rằng, công tác đối ngoại nhân dân hiện nay cần vừa phải theo bài học kinh nghiệm quý báu trước đây là chú trọng đến quan hệ giữa con người với con người nhưng cũng phải rất hiện đại với phong cách làm việc mới. Cốt lõi của dân tộc ta trong ứng xử với bạn bè trên thế giới đó là sự chân thành, sự thủy chung, cao thượng, đẹp đẽ, khoan dung, hòa hiếu, hướng thiện. Tôi cho rằng, tất cả những ai có cơ hội sang Việt Nam hiểu Việt Nam trước đây khác, sẽ có cái nhìn khác đi về Việt Nam. Những người yêu quý Việt Nam sẽ yêu quý Việt Nam hơn. 

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./. 


Thu Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực