Nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh

Thứ tư, 20/03/2019 21:51
Trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã tích cực phối hợp, nỗ lực trong việc hợp tác, triển khai tìm kiếm tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
 
Ngày 19/3, nhân dịp Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh đồng phối hợp với Viện Hòa bình Mỹ (USIP) chuẩn bị tổ chức Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Mỹ”, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington DC đã diễn ra buổi trao tặng đĩa DVD phim tài liệu về quá trình tìm kiếm hài cốt của Sỹ quan Hải quân James B.Mills (Giêm Min) cho bà Ann Mills-Griffiths (An Min-gri-phít), Chủ tịch Hiệp hội các gia đình tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (POW/MIA).

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và bà Ann Mills-Griffiths, Chủ tịch Liên đoàn các gia đình tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (POW/MIA) tại buổi trao tặng. Ảnh: Đặng Huyền/TTXVN

Đĩa DVD dài 12 phút kể về quá trình tìm kiếm hài cốt của chính người anh của bà Ann Mills-Griffiths đã chết trong cuộc chiến tại khu vực bờ biển tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Đây thực sự là một điều kỳ diệu bởi sau nhiều năm tìm kiếm với nhiều lần phải đóng hồ sơ và chấp nhận thất bại, cuối cùng những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng của Việt Nam, gồm nhiều chuyên viên, chuyên gia Mỹ và Việt Nam, đã được đền đáp xứng đáng.

Phát biểu tại buổi trao tặng, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết việc tìm kiếm thành công hài cốt của anh trai bà Griffiths là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng của Việt Nam và Mỹ trong công cuộc hàn gắn và khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước. Đây cũng là điểm sáng và sự khởi đầu tốt đẹp trong quá trình hai nước từ “cựu thù” đến đối tác toàn diện như ngày hôm nay. Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng khẳng định việc xây dựng đoạn phim ngắn này thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ Việt Nam đối với những nỗ lực của cá nhân bà Griffiths cũng như POW/MIA trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Bày tỏ niềm xúc động khi được chứng kiến hành trình đầy khó khăn trong việc đi tìm hài cốt của anh trai, bà Griffiths khẳng định sự kiện này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với gia đình bà nói riêng mà còn đối với tất cả những gia đình tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung, bởi việc tìm kiếm hài cốt của anh trai bà đã nhiều lần thất bại và chính gia đình bà cũng đã từng nghĩ rằng sẽ không thể tìm lại được nữa. Tuy nhiên, cả hai phía Mỹ và Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, mở lại hồ sơ nhiều lần, và cuối cùng đã đạt được kết quả. Chính vì vậy, đây là một niềm hạnh phúc to lớn đối với gia đình bà và đem lại niềm hy vọng cho các gia đình POW/MIA khác về khả năng tìm được hài cốt người thân trong tương lai. Bà Griffiths nhấn mạnh, món quà này là biểu tượng tình hữu nghị, hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp hai nước xích lại gần nhau hơn và tiếp tục hợp tác trong tương trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.

Quang cảnh buổi trao tặng đĩa DVD phim tài liệu quá trình tìm kiếm hài cốt của Sỹ quan hải quân James B.Mills. Ảnh: Đại Thắng/TTXVN

Trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã tích cực phối hợp, nỗ lực trong việc hợp tác, triển khai tìm kiếm tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Hoạt động nhân đạo này đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Việt Nam tích cực chủ động đề xuất, phối hợp với phía Mỹ trong nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hợp tác tìm kiếm... Các đội quy tập của hai bên đã hoàn thành nhiều đợt hoạt động hỗn hợp với sự tham gia của hàng chục chuyên viên Mỹ và Việt Nam cùng các chuyên gia về điều tra và quy tập, hàng trăm bộ hài cốt quân nhân Mỹ được trao trả về nước.

Trong chiến tranh Việt Nam, hàng triệu người dân Việt Nam bị thiệt mạng, thương tật; trong đó có hơn 300.000 quân nhân mất tích. Hiện còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Về phía Mỹ, có hơn 58.000 lính Mỹ đã chết, gần 2.000 người mất tích tại Việt Nam, hàng trăm nghìn người thương tật, tàn phế. Ngoài ra, con số bị mắc các chứng rối loạn tâm thần “Hội chứng Việt Nam” lên đến hàng triệu người, hàng trăm nghìn quân nhân và cố vấn Mỹ bị ung thư hoặc sinh con dị tật do tiếp xúc với chất độc màu da cam đã sử dụng ở Việt Nam./.

Đặng Huyền – Ngọc Ánh – Đại Thắng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực