Xây dựng môn Khoa học Tự nhiên là môn học tích hợp, vì sao?

Thứ năm, 22/02/2018 23:24
(ĐCSVN) - Trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tích hợp môn Khoa học Tự nhiên xây dựng như thế nào? Việc dạy học tích hợp được triển khai ra sao? Giáo viên có kịp thay đổi?... PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT mới đã giải đáp những câu hỏi dư luận đang quan tâm.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT mới. (Ảnh: VA)

 

PV: Thưa PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, vì sao cần xây dựng môn Khoa học Tự nhiên là môn học tích hợp ở cấp THCS?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực trên thế giới hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam cho thấy dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

Trong thế giới tự nhiên, mọi sự vật và hiện tượng là một thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở một khía cạnh nhất định. Khi giải quyết một vấn đề của tự nhiên thì không chỉ cần tới một khía cạnh nào mà cần kiến thức tổng hợp, cần sự tích hợp của nhiều kiến thức khác nhau.

Như chúng ta đã biết, tính thống nhất trong giáo dục khoa học tự nhiên được thể hiện ở cả đối tượng, phương pháp nhận thức, những nguyên lý và khái niệm cơ bản.

Trong chương trình GDPT mới, môn học tích hợp được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học và cấp THCS. Ở cấp tiểu học, môn học có tên Tự nhiên và Xã hội và môn Khoa học; lên cấp THCS phát triển thành môn Khoa học tự nhiên; ở cấp THPT, khoa học tự nhiên được chia ra thành các môn học riêng rẽ là Vật lý, Hoá học và Sinh học. Như vậy, xu hướng tích hợp trong chương trình giáo dục mới của chúng ta lần này là tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên.

Trên thế giới có nhiều nước dạy môn Khoa học Tự nhiên ở cấp THCS (chẳng hạn như ở Anh, Thụy Sỹ, Australia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều bang ở Mỹ…). Nội dung kiến thức của vật lý, hóa học, sinh học liên kết với nhau thông qua các nguyên lý và khái niệm chung của tự nhiên. Bên cạnh đó chương trình tích hợp còn thuận lợi trong việc thiết kế một số chủ đề tích hợp như chủ đề về biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên... Ngoài ra, việc xây dựng môn Khoa học Tự nhiên tránh được trùng lặp kiến thức được dạy ở nhiều môn học, nhờ đó phù hợp với thời gian học của học sinh trong nhà trường hiện nay.

PV: Yêu cầu đặt ra với môn Khoa học Tự nhiên là xây dựng chương trình môn học và viết sách giáo khoa vừa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn của cuộc cách mạng 4.0. Để thực hiện điều đó, chương trình đã được xây dựng theo hướng nào? Học sinh có bị “bội thực” kiến thức?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Về thời lượng, không tăng thời lượng dạy học. Chương trình được xây dựng cả cấp học là 560 tiết, chiếm 12% tổng số giờ của tất cả các môn học. So với chương trình của các nước, môn Khoa học Tự nhiên chiếm từ 11 đến 14%, thì môn học của chúng ta là ở mức trung bình. So với chương trình hiện hành (tổng số 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 595 tiết) thì chương trình lần này có ít đi đôi chút nhưng không nhiều.

Về nội dung, môn Khoa học Tự nhiên có thay đổi làm cho chương trình nhẹ hơn và hấp dẫn hơn đối với người học do không đi sâu mô tả các đối tượng mà đi thẳng vào chức năng và ý nghĩa ứng dụng thực tiễn của chúng, làm cho nội dung có ý nghĩa thực tiễn và gần gũi với cuộc sống hơn.

Ví dụ, khi học về thực vật học, chương trình không tập trung vào mô tả cấu trúc của các cơ quan thực vật mà tập trung vào chức năng hoạt động và ý nghĩa thực tiễn của các cơ quan, hệ cơ quan.

Khi học về hoá học, vật lý và sinh học, các khái niệm, định luật... được tiếp cận theo phương pháp làm nổi rõ bản chất, ý nghĩa khoa học, tránh khuynh hướng làm cho chương trình nặng hơn (tránh nặng về vận dụng toán học trong các môn khoa học, tránh thực hiện các bài tập lắt léo).

Chương trình mới giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Ví dụ, nội dung protit, lipit, gluxit đã dạy trong kiến thức hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dung hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung vật lý nữa; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung trong một chủ đề; chủ đề nước trong tự nhiên trước đây được dạy cả ở hoá học và vật lý nay được dạy chung trong môn Khoa học Tự nhiên.

PV: Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc “một môn ba thầy” sẽ dẫn tới việc thừa giáo viên ở các môn học. Theo ông, nên bố trí giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học trong môn học mới như thế nào?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Trước hết cần khẳng định, nội dung giáo dục và hình thức tích hợp trong chương trình môn Khoa học Tự nhiên về cơ bản không làm thay đổi lớn số lượng giáo viên hiện nay.

Thời lượng dạy môn Khoa học Tự nhiên 4 tiết/tuần, 140 tiết/năm học và tổng số tiết của cả cấp học là 560 tiết. Như vậy thời lượng không có thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành nên không làm dư thừa số giáo viên hiện nay hay làm thiếu hụt giáo viên.

Giáo viên dạy các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học hiện nay có thể tham gia dạy học môn Khoa học Tự nhiên được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Mức độ tích hợp liên môn, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của hóa học, vật lý hay sinh học. Các nội dung được sắp xếp gần nhau theo từng mạch nội dung hỗ trợ cho nhau theo nguyên lý của tự nhiên. Ví dụ, khi học về chất trong hóa học thì theo mạch nội dung học sinh sẽ được học luôn về chất trong sinh học - như chất tế bào.

Việc vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của hóa học, vật lý hay sinh học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công giáo viên dạy học. Ít nhất, giáo viên môn nào vẫn dạy được mạch nội dung liên quan đến môn của mình đang dạy học.

Cụ thể như, giáo viên hóa học sẽ rất thuận lợi khi dạy về mạch nội dung “Chất và sự biến đổi của chất”, giáo viên sinh học sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung “Vật sống”. Tương tự, giáo viên vật lý sẽ thuận lợi khi dạy về mạch nội dung “Năng lượng và sự biến đổi vật lý”.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên rất đa dạng. Có giáo viên chỉ dạy một mạch nội dung (những giáo viên này phần lớn xuất thân là kỹ sư hay cử nhân khoa học chuyển sang học sư phạm và trở thành giáo viên) nhưng cũng nhiều giáo viên dạy được 2 hoặc 3 mạch nội dung (những giáo viên này thường được tập huấn, đào tạo và nhận chứng chỉ trong quá trình công tác). Do vậy, một môn học có nhiều giáo viên đảm nhận là việc bình thường và phổ biến.

PV: Ông có khuyến cáo gì với các nhà trường cũng như giáo viên để triển khai dạy được môn Khoa học Tự nhiên ở các cấp học?

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn: Trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, nhà trường phổ thông cần bố trí giáo viên phù hợp với mạch nội dung dạy học trên nguyên tắc giáo viên thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó.

Công tác phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nhưng cần đảm bảo tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không nên tách riêng ra từng phần cho từng giáo viên dạy riêng rẽ.

Từ nay đến khi thực hiện môn Khoa học Tự nhiên (lớp 6) ít nhất còn 3 năm nữa, đây là thời gian các trường sư phạm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên để có thể dạy tốt môn học.

Những giáo viên có khả năng ngoài việc tập huấn dạy nội dung chuyên môn của mình dần dần sẽ được đào tạo theo cơ chế tín chỉ để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới mà mình chưa được đào tạo trước đây.

Khoa học Tự nhiên là một môn học, không phải 3 môn học riêng rẽ cộng lại một cách cơ học nên hoạt động chuyên môn trong nhà trường cần bố trí lại theo hướng một môn học, giáo viên trong tổ bộ môn Khoa học Tự nhiên hỗ trợ lẫn nhau những nội dung và chủ đề tích hợp.

Ngoài ra, do môn học cần tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm, nên giáo viên cần phải bỏ nhiều công sức chuẩn bị hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực