Mục tiêu cuối cùng là chọn được bộ sách giáo khoa tốt nhất

Thứ ba, 17/09/2019 22:17
(ĐCSVN) - Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới đang giúp tác giả lọc ra những điểm chưa đạt, để tác giả chỉnh sửa cho tốt hơn và cuối cùng là người học sẽ được học những sách giáo khoa tốt nhất. Các thầy cô trong Hội đồng làm việc vô cùng khách quan và phải chịu trách nhiệm giải thích những sản phẩm này trước xã hội, trước nhóm tác giả.

Đó là khẳng định của TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT tại buổi Tọa đàm “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” do Báo Lao động tổ chức ngày 17/9.

TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: laodong.vn

Việc triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Thời gian qua đã có những tranh cãi về việc bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định. Về phía Bộ GD&ĐT, trong khi hội đồng thẩm định khẳng định mình đã làm việc công tâm, khách quan, thì GS Hồ Ngọc Đại và không ít ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định chưa đánh giá đúng, đầy đủ điểm tốt, ưu việt của bộ sách. Làm rõ vấn đề này tại cuộc Tọa đàm, TS Thái Văn Tài cho hay, việc thẩm định sách giáo khoa nên bắt đầu từ thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương.

Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành quyết định số 04 về chương trình sách giáo khoa. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng. Trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT phân công các tổ chức thực hiện. Mọi quyết định của Bộ trưởng đối với sách giáo khoa đang thực hiện đúng luật.

“Khi thực hiện các nội dung đó, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, ban hành Thông tư 33 năm 2017 và Thông tư 32 năm 2018. Chúng ta xoay vào Thông tư 33 để áp dụng đánh giá trượt một bộ sách nào đó, thông tư 33 là quy định cấu trúc và những điều kiện của bộ sách giáo khoa. Vậy muốn viết sách giáo khoa thì phải tìm hiểu thông tư 33 để hiểu quy định cấu trúc, nội dung và những điều kiện tiên quyết khi đó là sách giáo khoa”- TS Thái Văn Tài giải thích.

TS Thái Văn Tài cho biết thêm, cho tới thời điểm Bộ GD&ĐT thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa. Chúng tôi đánh giá đây là thành công bước đầu thực hiện các chỉ đạo của đảng, sự đổi mới chương trình sách giáo khoa trong giai đoạn mới. Tuy nhiên trong 5 bộ, có sách tiếng việt, sách toán, sách giáo dục thể chất,…. thì nhiều sách giáo khoa không đạt. Vì những bản thảo này Hội đồng đã áp dụng những điều kiện tiên quyết từ thông tư 33 về cấu trúc sách giáo khoa, những nội dung. Sau đó mới đi vào mạch kiến thức theo thông tư 32.

Bản thảo sách giáo khoa không đạt có thể sửa nộp lại

Qua vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt. “Những bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là không đạt hay đạt cần sửa chữa đều có quyền chỉnh sửa và nộp lại cho ban tổ chức để thẩm định lại”- TS Thái Văn Tài một lần nữa khẳng định.

Hội đồng thẩm định được thành lập trên một quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, có miền nam, miền trung, miền bắc, vùng khó khăn. Có 15 ngày để hội đồng tiếp cận và 7 ngày để các thành viên hội đồng thảo luận với nhau.

Giải thích lý do khiến “Công nghệ giáo dục” vẫn chưa thể chính thức trở thành bộ sách giáo khoa, TS Thái Văn Tài cho hay, sách giáo khoa là một trong những tài liệu quan trọng để giáo viên và học sinh sử dụng trong quá trình học. Ngoài đối tượng học sinh, sách giáo khoa phục vụ những đối tượng là phụ huynh, cha mẹ học sinh để thực hiện đúng tinh thần đa dạng môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội….

Khi một sách giáo khoa, một tài liệu dạy học mà chỉ có những người chuyên sâu mới sử dụng được hoặc một nhóm giáo viên có quan tâm lớn hoặc được tập huấn để thực hiện thì đó trong chương trình giáo dục phổ thông mới chưa phải là đại diện cho sách giáo khoa. Vì vậy, tài liệu quan trọng như sách giáo khoa, là tài liệu phục vụ chính cho giáo viên, cộng đồng xã hội, cha mẹ học sinh để cùng đồng hành, cùng giúp đỡ thầy cô trong quá trình học tập của con em tiến bộ.

“Chương trình giáo dục phổ thông mới trên một nguyên tắc căn bản là kế thừa cái tốt nhất của giáo dục để làm căn cứ thực hiện chương trình. Hiện nay, những cái ưu việt nhất đều được các chuyên gia đưa vào sách giáo khoa: giáo dục nghệ thuật theo phương pháp tiếp cận năng lượng, mô hình trường học mới,…”- TS Thái Văn Tài nhấn mạnh./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực