Tự thân các trường đại học phải vươn lên tự chủ

Thứ sáu, 16/11/2018 16:50
(ĐCSVN) - Với mục đích khắc phục những bất cập đang cản trở quá trình tự chủ đại học (ĐH), tạo môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh công bằng giữa các ĐH công và tư, ngày 16/11, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật”.

Đến nay có 23 trường ĐH được tự chủ cho là chất xúc tác mạnh, tạo động lực cho toàn hệ thống giáo dục ĐH phát triển, minh chứng cho tính đúng đắn từ tinh thần của Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP, cho thấy những trường được thí điểm tự chủ còn vướng nhiều rào cản, trong đó chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp; thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường…


Tọa đàm trực tuyến "Tự chủ đại học - Nhìn từ chính sách, pháp luật". Ảnh: VA

Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chia sẻ: Trên thế giới, các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ rất cao. Có thể nói các trường ĐH mang đặc điểm đặc biệt, vừa là nơi giảng dạy đào tạo, vừa là nơi nghiên cứu khoa học và sáng tạo ra tri thức mới. Điều đó đòi hỏi một môi trường tạo điều kiện cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức mới tốt nhất. Do đó, tự thân các trường đại học phải vươn lên tự chủ.

Cũng như thí điểm đang được triển khai và thể chế hóa vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, tự chủ về chuyên môn, tài chính tài sản, nhân sự tổ chức là những điều hết sức cần thiết để cho các cơ sở giáo dục đại học thực sự đủ chủ động, linh hoạt để thực hiện mục tiêu sứ mạng của mình về đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học tốt nhất, làm cho toàn bộ hệ thống tốt lên, các trường năng động, cạnh tranh với nhau, vươn ra khu vực, thế giới và nguồn lực của giáo dục đại học sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Thứ trưởng tin sẽ có nhiều trường tự chủ thành công, và thực tế đã có trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, xếp hạng khu vực và thế giới đã tăng rất nhanh.

Có thể thấy, tự chủ là nhu cầu bức thiết hiện nay, làm sao cho hệ thống giáo dục ĐH sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, chất lượng được nâng lên, đào tạo ra nguồn nhân lực cũng như nghiên cứu khoa học đáp ứng tình hình mới của đất nước.

Yêu cầu trường ĐH phải phục vụ tốt nhất mục tiêu của người học

Chia sẻ chuyện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 1 trong 3 trường đang thực hiện đề án thí điểm gỡ bỏ sự quản lý từ cơ quan chủ quản. Điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động tự chủ của nhà trường?

PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, Trường ĐH Kinh tế quốc dân là một trong 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện về mặt đào tạo, tổ chức, tài chính. Kết quả tự chủ về cả 3 mặt đã nhận được thành công nhất định. Có lẽ chính nhờ thành công thí điểm tự chủ toàn diện đó, vừa qua Chính phủ đã lấy những ưu việt cũng như quy định cần thiết để đưa vào dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này. Dự thảo tập trung vào tăng cường vai trò để các trường có thể tự chủ. Trên thực tế, việc thử nghiệm thành công ở 23 trường có đóng góp rất lớn cho chính sách.

PGS. TS Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm: Nguyên lý tiến tới thí điểm tinh thần tự chủ này xuất phát từ một mô hình quản trị ĐH trên thế giới, coi trường ĐH không như doanh nghiệp mà sở hữu của trường là của cả cộng đồng xã hội. Trong đó, bản thân sinh viên vào học trong trường sẽ có quyền với trường đó, yêu cầu trường phải làm thế nào phục vụ tốt nhất mục tiêu của người học. Các doanh nghiệp xã hội là những người sử dụng sản phẩm của trường cũng có quyền yêu cầu, có vai trò tác động để các trường tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với yêu cầu sử dụng lao động của họ.

Những người cầm tấm bằng của nhà trường đó không phải học xong là xong, mà cũng quay trở lại giám sát để nhà trường phải làm như thế nào để uy tín, danh tiếng, giá trị văn bằng của họ cũng phải được tăng lên. Khi ấy, vai trò quản trị của nhà trường không phải chỉ là Nhà nước mà là những thực thể xã hội, cho nên không cần thiết một cơ quan chủ quản đứng ra như một doanh nghiệp.

Hiện nay về cơ bản, đề án đã được định hình và đang trình lên Chính phủ phê duyệt. Tinh thần là trao quyền lớn cho Hội đồng trường, thực hiện không chỉ là chức năng quản trị các hoạt động trong nhà trường mà còn đại diện cho tiếng nói của người học, tiếng nói của các doanh nghiệp cộng đồng xã hội, tiếng nói của học sinh sinh viên trong việc quyết định phương hướng phát triển, sử dụng nguồn lực phù hợp, hiệu quả. Khi đó, hoạt động của nhà trường không phụ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước mà cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò đúng nghĩa là thay mặt xã hội để kiểm tra, giám sát xem các cam kết, tuyên bố của trường có thực hiện đúng hay không cũng như xem các trường có tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật.

Sửa đổi luật là tạo hành lang pháp lý để các trường tự chủ một cách cao nhất

Một câu hỏi đặt ra, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì các trường sẽ được tự chủ một cách toàn diện. Liệu đây có phải là giải pháp tất yếu nhằm giúp các trường chuyển mình và bắt nhịp với thực tiễn cũng như hội nhập?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: Quan điểm sửa đổi luật là làm sao tạo hành lang pháp lý để các trường tự chủ một cách cao nhất; thúc đẩy sự năng động, chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phát triển. Mong muốn là như vậy, nhưng trong thực tế thì việc sửa đổi hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Giáo dục ĐH để tạo ra cơ chế tự chủ hoàn toàn thì còn có những khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng lý giải: Hoạt động giáo dục ĐH được chi phối bởi nhiều luật khác nhau, như: Luật Viên chức; khoa học công nghệ lại do Luật Khoa học, công nghệ... Trong quá trình bàn để sửa đổi Luật Giáo dục lần này, cơ quan soạn thảo đưa một số quan điểm sửa đổi mang tính cởi trói, tháo gỡ những vướng mắc ở các luật khác vào trong luật này.

Ở đây có một điểm rất đáng chú ý đó là phân cấp, phân quyền từ cơ quan quản lý trước đây được giao rất nhiều cho các cơ sở giáo dục ĐH. Những việc trước đây mà Bộ GD&ĐT chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở giáo dục ĐH thông qua cơ chế giao quyền cho Hội đồng trường. Đây được xem là điểm mới, đánh giá cao quan điểm của Ban soạn thảo...

“Tôi cho rằng điểm quan trọng nhất của tự chủ là tháo gỡ về cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ đã được thể hiện trong luật này. Và còn có việc rất đặc thù đó là, các trường là nơi tập trung các nhà khoa học có trình độ cao nhất của cả nước, nơi có sự sáng tạo cao nhất thì phải được giao cơ chế để phát huy thế mạnh của mình. Đây là điểm đáng ghi nhận. Và để các trường thực sự như chúng ta mong muốn, trong thời gian tới, Chính phủ cần có nghiên cứu sửa đổi các luật khác tạo điều kiện cho các trường phát triển”- Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng nhấn mạnh./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực