Đoàn công tác Trung ương khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại một số địa phương

Thứ hai, 03/09/2018 11:12
(ĐCSVN)- Từ ngày 4-7/8, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cùng Đoàn công tác Trung ương đã đi khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại tỉnh Đắk Lắk, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29) của các tỉnh, thành phố cho thấy, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, các cấp, các ngành và toàn xã hội ngày càng nhận thức đúng đắn và quan tâm hơn tới công tác phát triển GDĐT, coi đây là bước đột phá mang tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của từng địa phương.

Quy mô mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhanh theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của các lứa tuổi và các tầng lớp nhân dân với tinh thần xây dựng xã hội học tập. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục đạt chuẩn theo hướng bền vững. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao. Công tác quản lý giáo dục từng bước đổi mới, công bằng, dân chủ trong giáo dục dần được cải thiện, nề nếp kỷ cương trong trường học được duy trì.


Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu khảo sát tại TP Hồ Chí Minh

Triển khai Nghị quyết 29, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã xóa được 16 xã trắng về trường mầm non, tăng 58 trường, 914 lớp học mầm non; toàn tỉnh đã có 215 /423 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 50,8 % (tăng 63 trường so với năm 2013), trên 120 nghìn học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày (đạt tỉ lệ 66,7%). Từ năm học 2015-2016 tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều triển khai các phương pháp dạy học tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đổi mới khá toàn diện trên các mặt như đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện dân chủ công khai đúng quy định. Đội ngũ giáo viên của tỉnh Đắk Lắk hiện nay cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cơ sở và có hiệu quả ngày càng cao là một trong những kết quả nổi bật của TP Cần Thơ sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 33 trường mầm non, 7 trường phổ thông ngoài công lập. Việc đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng được TP Cần Thơ thực hiện tốt trong thời gian qua.

Hiện nay, quy mô mạng lưới trường, lớp tại TP Cần Thơ đã hoàn chỉnh, phủ kín các địa bàn dân cư; cơ sở vật chất trường học ngày càng được củng cố theo hướng đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Số trường học đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các bậc học đều tăng theo từng năm, toàn thành phố hiện có 281 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 61% tổng số trường trên địa bàn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, nhất là đào tạo sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trình độ quốc tế, đào tạo cán bộ, công chức cấp xã, phường và bồi dưỡng đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cấp quận, huyện, từ đó góp phần nâng lên về chất lượng và trình độ nguồn nhân lực của thành phố.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học tại TP Hồ Chí Minh đã được phủ khắp 319 phường (xã), 24 quận huyện trên toàn địa bàn thành phố với quy mô phát triển ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2013 đến 2018 đã xây dựng thêm gần 9.699 phòng học, đáp ứng tốc độ tăng học sinh là 12,8%, đồng thời từng bước giảm sĩ số, tăng số lượng trường dạy 2 buổi/ngày và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

TP Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong việc đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá; chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới. Triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, PASEC), tổ chức tốt các kỳ thi chung, khảo sát tuyển sinh đầu cấp theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Tích cực trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập, trở thành công dân thông minh.

Bước đầu TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng được một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non, góp phần nâng cao đời sống, giảm bớt áp lực công việc, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường phân cấp quản lí mạnh mẽ cho các nhà trường trên nguyên tắc tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Công khai, dân chủ trong nhà trường được đẩy mạnh. Thành phố chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phối hợp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm và giải quyết các vấn đề lớn của thành phố.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 29 tại tỉnh Đắk Lắk, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh cũng bộc lộ một số hạn chế như hệ thống cơ sở vật chất trường lớp phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản sự nghiệp giáo dục; sĩ số học sinh bình quân trên lớp còn cao, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục. Tình trạng thiếu, thừa, chưa cân đối, chưa đồng bộ về giáo viên vẫn còn; một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và quản lý giáo dục.

Công tác quản lí các cơ sở giáo dục tư thục ở tất cả các cấp học, bậc học, vẫn còn hạn chế, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ. Vẫn còn một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy đối với xã hội. Việc đảm bảo kinh phí chi thường xuyên vẫn còn bất cập, khó khăn, chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển hoạt động của trường học (chưa đủ 20%).

Phát biểu tại các cuộc khảo sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai Nghị quyết 29, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào kết quả chung của toàn ngành. Bộ trưởng yêu cầu, các thành viên trong đoàn công tác thuộc Bộ GDĐT và các thành viên tổ biên tập báo cáo sơ kết Nghị quyết 29 của Bộ ghi nhận ý kiến từ các địa phương để làm sâu sắc thêm báo cáo chung của toàn ngành. Đồng thời tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của địa phương để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 trong thời gian tới.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI). Năm 2018 đánh dấu 5 năm triển khai Nghị quyết. Hoạt động khảo sát tại một số địa phương của Đoàn công tác Trung ương nhằm nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết 29, qua đó đánh giá kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, kiến nghị triển khai Nghị quyết 29 trong giai đoạn tiếp theo./.

VA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực