Trích bài: Bàn về chế độ hợp tác

Thứ hai, 09/07/2012 10:06

Tôi xin nói rõ ý kiến của tôi. Những kế hoạch của các nhà đề xướng ra hợp tác xã trước kia, kể từ Rô-be Ô-oen trở đi, đều là ảo tưởng ở chỗ nào? Ở chỗ họ không chú trọng đến những vấn đề cơ bản như đấu tranh giai cấp, việc giai cấp công nhân giành lấy chính quyền, việc lật đổ nền thống trị của giai cấp bóc lột, mà lại mơ tưởng đến việc dùng chủ nghĩa xã hội để hòa bình cải tạo xã hội hiện đại. Vì vậy chúng ta có đủ lý do để nói rằng chủ nghĩa xã hội “hợp tác xã” ấy là một cái thuần túy ảo tưởng, lãng mạn, thậm chí tầm thường, vì họ mơ tưởng rằng dùng biện pháp đơn giản tập hợp dân cư vào các hợp tác xã, là có thể biến kẻ thù giai cấp thành người hợp tác giai cấp, biên đấu tranh giai cấp thành hòa bình giai cấp (thành một thứ hòa bình xã hội, như người ta thường gọi).

Đứng về nhiệm vụ cơ bản của thời đại chúng ta mà xét, thì chắc chắn là chúng ta có lý, vì không có đấu tranh giai cấp giành lấy chính quyền Nhà nước, thì không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội được.

Nhưng các bạn hãy nhìn xem lúc này, khi mà chính quyền Nhà nước đã thuộc về tay giai cấp công nhân, quyền lực chính trị của bọn bóc lột đã bị lật đổ, và mọi tư liệu sản xuất đã nằm trong tay giai cấp công nhân (chỉ trừ những thứ tư liệu sản xuất mà Nhà nước công nhân còn tự nguyện giao cho bọn bóc lột, theo chính sách tô nhượng, trong một thời gian và với những điều kiện nào đó), thì tình hình đã thay đổi biết bao.

Ngày nay, chúng ta có quyền nói rằng, đối với chúng ta, sự phát triển đơn thuần của chế độ hợp tác đồng nhất (có tính đến ngoại lệ “nhỏ” đã nói trên kia) với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi trên căn bản. Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền v.v.. Ngày nay, trọng tâm ấy đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức “văn hóa”. Tôi dám quả quyết rằng trọng tâm của chúng ra đã chuyển sang hoạt động giáo dục, nếu không có những mối quan hệ quốc tế, không có nghĩa vụ phải bảo vệ, phải bảo vệ vị trí của ta trên phạm vi quốc tế. Nhưng nếu gác tình hình quốc tế ra, mà chỉ nói đến quan hệ kinh tế trong nước của chúng ta, thì trọng tâm công tác của chúng ta hiện nay quả thật là xoáy vào hoạt động giáo dục.

Trước mắt chúng ta hiện nay, có hai nhiệm vụ chủ yếu có ý nghĩa vạch thời đại. Nhiệm vụ thứ nhất là cải tạo bộ máy quản lý hoàn toàn vô giá trị mà thời đại cũ đã để lại toàn bộ cho chúng ta; trong năm năm đấu tranh, chúng ta chưa có thì giờ cải tạo được cái gì đáng kể trong bộ máy đó, và chúng ra cũng không thể làm gì được. Nhiệm vụ thứ hai của chúng ta là tiến hành công tác văn hóa trong nông dân. Thế mà công tác văn hóa đó trong nông dân lại nhằm mục tiêu kinh tế là thực hiện chế độ hợp tác. Nếu chúng ta tổ chức được toàn thể nông dân vào hợp tác xã, tức là chúng ta đứng vững được hai chân trên miếng đất xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều kiện đó bao hàm trình độ văn hóa nhất định của nông dân (tôi nói rõ là nông dân, vì nông dân là quảng đại quần chúng), cho nên nếu không có một cuộc cách mạng văn hóa thật sự, thì không thể nào thực hiện được việc tổ chức một cách phổ biến đó vào trong các hợp tác xã.

Những kẻ đối địch với chúng ra đã nhiều lần nói với chúng ta rằng, chúng ta đã làm một việc điên rồ là định xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước không đủ trình độ văn hóa. Nhưng chúng ta đã lầm mà cho rằng chúng ta không bắt đầu từ chỗ đáng lẽ phải bắt đầu, đúng theo lý thuyết (của đủ loại những bọn thông thái rởm); ở nước ta, cách mạng chính trị và xã hội đã đi trước cuộc cách mạng văn hóa mà giờ đây nhất thiết chúng ta phải làm.

Bây giờ, chúng ta chỉ cần hoàn thành một cuộc cách mạng văn hóa, là đủ để cho nước ta trở thành một nước hoàn toàn xã hội chủ nghĩa. Nhưng cuộc cách mạng văn hóa ấy, đối với chúng ta, có những khó khăn không thể tưởng tượng được, về mặt thuần túy văn hóa (chúng ta bị mù chữ), cũng như về mặt vật chất (bởi vì muốn trở thành những người có văn hóa, thì tư liệu vật chất để sản xuất phải phát triển tới một mức nào đó, chúng ta phải có một cơ sở vật chất nhất định nào đó).

Ngày 6 tháng Giêng 1923

V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, t.33, tr.697-700

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực