Xây dựng Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi

Thứ hai, 18/06/2018 16:35
(ĐCSVN) - Đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật Chăn nuôi và đề nghị cần xây dựng Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi. Bởi ngành này trong những năm qua đã có sự phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển các sơ sở chăn nuôi quy mô lớn và phát triển ngành chăn nuôi.


Toàn cảnh phiên họp chiều 14/6. (Ảnh: Văn Điệp)

Chiều 14/6,  các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) ngành chăn nuôi trong những năm qua đã có sự phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển các sơ sở chăn nuôi quy mô lớn và phát triển ngành chăn nuôi. Văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến ngành này là Pháp lệnh giống vật nuôi được ban hành cách đây 14 năm. Sự ra đời của Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý, khắc phục khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi của nước ta thời gian tới.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng còn một số nội dung chưa được làm rõ, ban soạn thảo cần phân tích, làm rõ hơn để xác định chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) phân tích thực trạng ngành chăn nuôi Việt Nam còn yếu tố tự phát, quy mô nông hộ cao, phần lớn chưa theo chuỗi. Tổng điều tra nông nghiệp nông thôn vừa qua cho thấy số lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap và tương đương còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc kiểm soát dịch bệnh, môi trường, chất thải chưa được quản lý và kiểm soát chặt.

Theo đại biểu, định hướng sản xuất toàn ngành thời gian tới là hết sức cần thiết. Ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung quy định một mục riêng về Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, nêu rõ định hướng, quan điểm, mục tiêu phấn đấu, làm cơ sở cho cơ quan chức năng xây dựng thực hiện trong thực tế.

Để phát triển hiệu quả, bền vững ngành chăn nuôi, cần siết chặt công tác quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, quản lý môi trường; để khả thi cần phân hóa phương pháp tác động, đảm bảo hợp lý đối với người sản xuất là hộ nông dân nhỏ lẻ.

Đối với chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thị trường chăn nuôi, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nhận định các quy định của dự án Luật chưa đủ khắc phục được khó khăn hiện nay về ổn định sản phẩm “đầu ra” cũng như thị trường cho phát triển chăn nuôi.

Cơ quan soạn thảo cần quan tâm thiết kế sâu, rõ hơn liên quan đến nội dung này theo hướng đầu tư, hỗ trợ chính sách, nghiên cứu có dự báo thị trường; có sự phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hiệp hội, địa phương để hỗ trợ người nông dân, người chăn nuôi trong điều kiện hiện nay. Không thể để người nông dân “tự bơi” khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đại biểu Đỉnh nêu quan điểm.

Cho ý kiến về quy định quản lý môi trường, chất thải trong chăn nuôi, nhiều đại biểu dẫn chứng theo đánh giá của ngành chức năng, mỗi năm có trên 85 triệu chất thải từ chăn nuôi ra môi trường. Việc xử lý chất thải chăn nuôi mặc dù được các ngành chức năng quan tâm, nhưng thực tế hầu hết tại các địa phương, những trang trại chăn nuôi có quy mô vừa, nhỏ, không có điều kiện về tài chính để đầu tư vận hành công trình xử lý chất thải đạt chuẩn, đã tác động không nhỏ đến môi trường sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp.

Bởi vậy, các đại biểu đề nghị cùng với quy định về nguyên tắc quản lý chất thải, quản lý phế phẩm, quản lý chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những chế định cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học công nghệ cao vào chăn nuôi; chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, chăn nuôi có giá thành phù hợp với từng loại hình, quy mô chăn nuôi và đặc thù vùng miền, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông phẩm an toàn bền vững./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực