Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc

Thứ năm, 13/06/2019 17:23
(ĐCSVN) - Với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 13/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc. Luật này gồm 5 chương với 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Kết quả biểu quyết của Quốc hội đối với Luật Kiến trúc chiều ngày 13/6. (Ảnh: ĐT)

Luật quy định nguyên tắc hoạt động kiến trúc gồm: Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Về điều kiện hành nghề kiến trúc, Luật quy định gồm: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này.

Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân...

Luật quy định nội dung quản lý Nhà nước về kiến trúc gồm: Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kiến trúc. Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc; tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quản lý thông tin, lưu trữ tài liệu trong hoạt động kiến trúc; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động kiến trúc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc...

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc theo quy định của Luật gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…

Luật cũng quy định, ngày 27/4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc chiều ngày 13/6. (Ảnh: TTXVN)

Trước khi thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày.

Báo cáo nêu rõ, ngày 21/5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc để tiếp thu thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu, dự án Luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc.

Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, với tình hình kinh tế - xã hội thay đổi rất nhanh chóng như hiện nay, hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục (khoản 1 Điều 23) là rất cần thiết. Do đó, nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng hành nghề của đội ngũ này thông qua việc yêu cầu các kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề phải liên tục học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn, duy trì đạo đức nghề nghiệp. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế và ý kiến của đông đảo kiến trúc sư, quy định thời hạn 10 năm chứng chỉ hành nghề kiến trúc là phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư, nếu giảm thời hạn xuống 05 năm thì sẽ phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 23, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc còn có trách nhiệm đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép được giữ quy định này như dự thảo Luật.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, các cá nhân cũng chỉ được miễn một điều kiện về sát hạch chứng chỉ hành nghề (điểm c, khoản 1) chứ không mặc nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Hơn nữa, cá nhân là cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan, tổ chức liên quan đến lĩnh vực kiến trúc thì vẫn được xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Nếu cán bộ, công chức sử dụng chứng chỉ hành nghề để hoạt động cung cấp dịch vụ kiến trúc thì sẽ bị điều chỉnh bởi pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật phòng, chống tham nhũng và pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo hướng thu hẹp đối tượng được xét miễn điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề tại khoản 3, Điều 28./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực