Sửa Luật Đầu tư công: “Đổ thừa hết do luật thì không đúng”

Thứ năm, 20/09/2018 14:33
(ĐCSVN) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thực hiện Luật Đầu công tư có khó khăn, nhưng chỉ một phần do luật, còn phần nhiều là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Chính phủ đề xuất sửa đổi toàn diện

Sáng 20/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Đầu tư công được mở rộng hơn nhiều so với phạm vi, nội dung của dự thảo kèm theo Tờ trình số 127/TTr-CP trước đây. Cụ thể, hiện nay đã lên tới 69/108 điều bị tác động, sửa đổi, bổ sung, đồng thời bãi bỏ 6 điều, bổ sung 4 điều mới. Vì vậy, Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thay thế cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như đã trình tại Tờ trình số 127/TTr-CP và quy định tại Nghị quyết số 7/2018/QH14 của Quốc hội.

Về sự cần thiết phải ban hành luật, Bộ trưởng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã bộc lộ khó khăn do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...

Mặt khác, tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...

Về những nội dung tại dự luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 18 nhóm vấn đề chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý là dự luật đề xuất điều chỉnh phân loại dự án, trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, tiếp thu ý kiến các cơ quan, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng, phù hợp với quy định trước đây tại Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về quy mô dự án; điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư theo hướng không quy định đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, sửa đổi, bổ sung tiêu chí về mức độ “tuyệt mật” đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, các dự án nhóm A, B, C...

Dự luật cũng điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó, đề xuất phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn của địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C; bổ sung quy định về thẩm quyền đối với dự án của địa phương sử dụng nguồn vốn hỗn hợp thuộc nhiều cấp ngân sách khác nhau...

Thực hiện luật chưa nghiêm

Gợi ý các vấn đề thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện hay chỉ sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư. Ông lo lắng, “nếu sửa toàn diện 18 vấn đề tôi sợ còn rối hơn, nếu không cẩn thận phá vỡ hết cả Luật Ngân sách”. Theo ông, sau 5 năm tổng kết đánh giá thực hiện toàn bộ thì mới nên sửa toàn diện, giờ mới 3 năm thực hiện, mới chỉ vướng mắc, một số điều cũng chỉ đề xuất sửa đổi vài ba câu chữ, vì vậy cần cân nhắc xem sửa đổi toàn diện có hợp lý không.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, thì cần xem lại việc tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, về phạm vi sửa đổi, chỉ nên chọn lựa 5-7 điều bất cập để sửa đổi, bổ sung. Bởi trong những năm gần đây, do tác động của đầu tư, trong đó có đầu tư công đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ổn định ở mức cao góp phần ổn định, cân đối ngân sách nên khó thuyết phục Quốc hội phải sửa đổi luật.

Ông cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem lại sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ để hỗ trợ cho các các dự án triển khai tốt; sự phối hợp trong nội bộ của từng bộ để xử lý các hồ sơ, thủ tục. “Rất cần thiết phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này” – ông đề nghị.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm chỉ sửa những vấn đề đang vướng mắc trong thực hiện Luật; những vấn đề cứng nhắc thì rà soát lại.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội: “Thực hiện Luật Đầu công tư có khó khăn, nhưng chỉ một phần do luật, còn phần nhiều là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư công hiện hành đưa ra các quy định rất hợp lý, vài năm qua đã khắc phục được việc ghi tên công trình rất nhiều nhưng không có vốn, từng địa phương cứ chạy cho được cái tên chứ không biết vốn ở đâu. Luật Đầu tư công quy định chỉ khi xác định được nguồn vốn mới được ghi tên công trình, cái này rất tiến bộ và phù hợp xu hướng của thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, những điểm mà Chính phủ cho rằng còn cứng nhắc, chưa đầy đủ như công tác đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, giao vốn nhiều lần… cũng không phải do luật mà do khâu thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại “Không phủ nhận việc Luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng. Tôi bảo vệ quan điểm này. Lần họp tới của UBTVQH tôi sẽ cung cấp cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật”./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực