Sửa đổi Luật BVMT: Cần phải chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường

Thứ hai, 12/08/2019 11:25
(ĐCSVN) – Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, sửa đổi một số điều của Luật bảo vệ môi trường cần phải chú trọng đến việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng xác định rõ đối tượng; phân loại theo mức độ tác động môi trường; tiếp cận quản lý môi trường phù hợp với từng giai đoạn theo vòng đời dự án

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Khương Trung)

Chiều 9/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức cuộc họp về Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngoài ra có nhiều bộ luật sửa đổi khác khiến Luật bảo vệ môi trường 2014 chưa thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Là cơ quan chuyên trách của Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp nhận những ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước về BVMT và phát triển bền vững.

Ông Phan Xuân Dũng cũng đề nghị các ý kiến đóng góp sửa đổi cần phải chú trọng đến việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng xác định rõ đối tượng; phân loại theo mức độ tác động môi trường; tiếp cận quản lý môi trường phù hợp với từng giai đoạn theo vòng đời dự án đầu tư…

Tiếp thu ý kiến trên, Ban soạn thảo cũng đã thống nhất triển khai, tháo gỡ những vướng mắc giữa Luật Bảo vệ môi trường với các luật khác; các chính sách cần đề cao tính bao quát, xu hướng tiếp cận và thay đổi, bảo đảm phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế về BVMT trong hội nhập quốc tế; tiếp cận tiến bộ khoa học và công nghệ, phương thức, xu hướng quản lý môi trường mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện một số Bộ, Ngành trung ương và thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung thảo luận,  đóng góp nhiều ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó nhiều ý kiến đã chỉ ra được những vấn đề để ngành Tài nguyên và Môi trường cần phải đổi mới; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước có những bộ luật tiên tiến; đồng thời đẩy mạnh cơ chế phối hợp, trao đổi đồng thuận; tìm các chuyên gia nghiên cứu từ khâu triển khai gắn với thực tiễn…/.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực